Nếu như các cầu thủ ĐT Thái Lan chọn phương án cầm bóng, ban chuyền tìm sơ hở của hàng phòng ngự Việt Nam để tấn công thì các cầu thủ Malaysia lại chọn lối đá tấn công ào ạt để phá vỡ kết cấu hệ thống phòng ngự của đối thủ.
Dựa vào nền tảng thế lực, các cầu thủ Malaysia rất chịu khó va chạm nhằm tiêu hao thể lực của cầu thủ đối phương, vần cho đối thủ mệt nhoài để tìm đường vào khung thành thủ môn Văn Lâm. Vì vậy, nếu ĐT Việt Nam không có những chiến thuật sáng tạo, bất ngờ thì cơ hội có bàn thắng không cao.
Giương bẫy
So với các cầu thủ Thái Lan, rõ ràng “Những chú hổ Malay” không có độ quái bằng nhưng họ lại vượt trội sức mạnh dựa trên nền tảng thể lực dồi dào. Nếu để cho tiền vệ gốc Gambia Mohamadou Sumareh có khoảng trống bứt tốc thì ngay cả những cầu thủ UAE to khỏe cũng khá vất vả huống hồ chi các cầu thủ Việt Nam.
ĐT Việt Nam trong những buổi tập trên đất Thái Lan, Ảnh tư liệu Trung Kiên
Trận thắng 2-0 trên sân Mỹ Đình vòng bảng AFF Cup 2018 HLV Tan Cheng- Hoe đã “sập bẫy” mà ông Park Hang-seo giăng sẵn. Để rồi khi về nước ông HLV Tan Cheng-Hoe không thể giải thích thế nào với giới chuyên môn khi cầm bóng tới 69% thời gian, thực hiện 622 đường chuyền (Việt Nam 292) được 4 pha phạt góc (Việt Nam 1) mà lại để Công Phượng, Anh Đức chọc thủng lưới 2 bàn.
Một trận đấu mà ông Park Hang-seo đã bố trí cặp tiền vệ Xuân Trường, Quang Hải “mong manh, dễ vỡ” để khiến cho HLV Tan Cheng-Hoe đã thay đổi ý đồ ban đầu phòng thủ kiếm 1 điểm, để xông lên tấn công. Nếu tung những cầu thủ Hùng Dũng, Đức Huy vào ngay từ đầu thì thế trận sẽ đi theo chiều hướng khác.
Ông thầy Hàn Quốc đã khá quái khi “mở cổng thành” cho đội khách bằng sơ đồ 4-4-2 với bộ đôi Norshahrul Idlan (9) và Muhammad Shahrel Fikri (10) có cơ hội thuận lợi công thành. Trong những lần do thám tình hình ĐT Việt Nam, BHL “Những chú hổ Malay” đều cho rằng 2 mắt xích Xuân Trường, Quang Hải đều không giỏi phòng ngự. Thay vì tấn công biên như thường lệ, trận đấu này ĐT Malaysia sử dụng khá nhiều đòn đánh trực diện.
Hai lá bài đa năng
Trong sơ đồ 4-5-1, Trọng Hoàng là lá bài quan trọng của ông Park, thay vì bám biên phải, Trọng Hoàng được yêu cầu bó vào trung tâm, trở thành tiền vệ phòng ngự thứ 3 của ĐT Việt Nam. Một trận đấu mà tài năng trẻ của bóng đá Malaysia là tiền vệ trung tâm 21 tuổi Syamer Kutty Abba (14) đã bị Hoàng “bò” vô hiệu hóa phải bị thay ra.
Trọng Hoàng. Ảnh: Trung Kiên
Nếu như bàn thắng thứ nhất của Công Phượng có phần may mắn khi đón đường chuyền của Anh Đức từ cánh trái, bóng lập bập từ tính huống sút lỗi đi vào khung thành thủ môn K. Che Mat thì tình huống thứ 2, in đậm dấu giày Văn Đức. Trong pha bó vào trung lộ để hỗ trợ Xuân Trường, Quang Hải, nhận được bóng từ tiền vệ của HAGL, Văn Đức đã có cú sẻ nách giữa bộ đôi trung vệ Zafuan (7) và Shahrul Saad (3) để Anh Đức băng xuống ghi bàn. Đây là tình huống bất ngờ, ngoài kịch bản phòng ngự của đội khách Malaysia, bởi không ai tính đến phía chủ nhà Việt Nam lại đưa tiền vệ cánh trái bó vào trung tâm để làm nhiệm vụ kiến tạo.
Tiền vệ Phan Văn Đức. Ảnh: Trung Kiên
Đây là bàn thắng mà giới chuyên môn Malaysia đánh giá khá cao độ quái của HLV Park Hang-seo, khi thấy ông Tan Cheng- Hoe tung Safawi Rasid (11) vào thay Sumareh (13), ông đã yêu cầu Văn Đức bỏ biên, bó vào trung lộ. Tiền vệ biên Safawi Rasid chưa kịp bắt nhịp, theo kèm Văn Đức thì lưới đội nhà đã rung lên lần thứ 2.
Ngay sau bàn thắng, biết Văn Đức đã thấm mệt, ông lập tức đưa Hùng Dũng vào sân gia cố hàng phòng thủ. Và khi cả Đức Huy vào thay Xuân Trường thì số phận trận đấu coi như đã an bài khi 2 cầu thủ có thiên hướng phòng ngự đã vào sân.
Phải rất lâu người ta mới hiểu vì sao HLV Park Hang-seo lại rất ưa dùng những cầu thủ đa năng và Văn Đức, Trọng Hoàng luôn là mẫu cầu thủ nhà cầm quân Hàn Quốc tin tưởng.