Chật vật sống bằng nghề
Tốt nghiệp hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non và từng đi dạy ở một trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Vinh, nhưng sau 3 năm ra trường, Nguyễn Thủy Anh đã an phận với công việc quản lý ở một quán cà phê. Thủy Anh cũng cho biết, sau khi ra trường chỉ hơn một nửa sinh viên trong lớp là gắn bó với nghề, còn lại đi làm nghề tay trái và không mấy ai nghĩ sẽ quay trở lại với nghề cũ. 

Em đã từng rất thích nghề sư phạm và xác định gắn bó lâu dài với công việc này. Nhưng đến khi ra trường đi dạy mới thấy đây là công việc rất vất vả và chịu nhiều áp lực, nhất là khi công tác tại một trường ngoài công lập

Nguyễn Thủy Anh - cựu sinh viên sư phạm

bna_gio_hoc_ngoai_ngu_cua_sinh_vien_truong_dai_hoc_vinh5482733_1362019.jpgGiờ học Ngoại ngữ của sinh viên sư phạm. Ảnh: Mỹ Hà
Còn với cô giáo Thảo Liên, dù ra trường đã hơn 10 năm và gắn bó với một trường mầm non tư thục khá nổi tiếng ở thành phố Vinh. Thế nhưng, đến thời điểm này, nói về công việc của mình, chị vẫn ngậm ngùi bởi “mang tiếng làm giáo viên có kinh nghiệm nhưng lương thì ba cọc, ba đồng, bảo hiểm xã hội được nhà trường đóng ở mức thấp nhất. Riêng dịp hè thì giáo viên của trường không được trả lương vì không có học sinh”.
Không chỉ giáo viên mầm non, một số giáo viên ở các trường nghề cũng đang loay hoay, chật vật để sống với nghề.

Tôi gắn bó với Khoa công nghệ hàn 15 năm, hệ số lương bậc 4, nhưng mức lương hiện tại cũng chỉ mới 5 triệu đồng. Thực tế, mức lương hiện nay rất thấp, thậm chí thấp hơn học viên mới ra trường vì thu nhập của các em có thể từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Thầy giáo Lê Đình Khoa - giáo viên ngành Công nghệ hàn - Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành

Do thu nhập thấp nên vài năm trở lại đây việc tuyển sinh giáo viên cho Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành gặp rất nhiều khó khăn, dù trường đã có những chính sách ưu tiên riêng như tuyển thẳng vào biên chế sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, bố trí thêm tiết để giáo viên có thể tăng thu nhập. Hiện nhà trường đang thiếu 15 giáo viên và nguy cơ còn có thể kéo dài vì rất nhiều giáo viên nộp hồ sơ xin việc xong rồi không quay trở lại.

Chính sách của trường triển khai đã 4 năm nhưng chỉ có 2/8 hồ sơ vào làm việc. Điều này có thể là do lương thấp, hoặc do địa bàn Yên Thành chưa phát triển như khu vực trung tâm, thành phố nên giáo viên muốn tìm các môi trường khác để có nhiều cơ hội phát triển”.

Ông Nguyễn Thọ Ngà - Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành 

Một nghịch lý ở các trường nghề hiện nay, đó là sinh viên ra trường có thể có thu nhập cao hơn gấp 2 hoặc gấp 3 so với các thầy giáo. Chính vì lẽ đó, việc giáo viên bỏ nghề để đi làm cho các doanh nghiệp hoặc đi theo diện lao động kỹ thuật cao sang nước ngoài làm việc là rất nhiều.
Tại Trường Cao đẳng Việt - Đức, từ 130 giáo viên, nay số giáo viên đã giảm hơn 20 người trong 3 năm trở lại đây; thậm chí có những giáo viên đã vào biên chế, được công nhận giáo viên dạy giỏi nhưng vẫn xin nghỉ việc.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn quan tâm bồi dưỡng những sinh viên có tâm huyết, có tay nghề đề tạo nguồn cho nhà trường. Tuy vậy, nhiều sinh viên vẫn không mặn mà. Nên chăng cần có những chính sách ưu tiên cho đối tượng này để giáo viên trường nghề yên tâm công tác, đảm bảo được cuộc sống tối thiểu”.

Ông Nguyễn Hữu Hằng -  Phó Hiệu trưởng nhà trường

Không tuyển sinh ồ ạt 
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hơn 46.000 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm, tăng hơn 30% so với năm trước. Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, đại diện Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân tăng chỉ tiêu sư phạm.
 
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường thực hành Sư phạm. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
Một trong những lý do quan trọng là hiện cả nước đang thiếu khoảng 75.000 giáo viên, chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Vì thế, việc tăng chỉ tiêu sẽ “đón đầu” trong vài năm tới, khi mà nhu cầu giáo viên ở các địa phương đang ngày càng tăng. 
So với cả nước, Nghệ An cũng là “cái nôi” đào tạo ngành Sư phạm với 2 trường đại học và 1 trường cao đẳng. Tuy vậy, trong khi nhu cầu sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm cả nước đang tăng thì tại Nghệ An, những năm qua việc tuyển sinh ngành Sư phạm đang gặp nhiều khó khăn, kể cả trường đại học có truyền thống như Trường Đại học Vinh.
Thực tế, hàng năm mặc dù chỉ tiêu của các chuyên ngành Sư phạm không nhiều nhưng nhiều ngành tuyển không đủ chỉ tiêu. Riêng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, các ngành như Sư phạm Địa lý, Sư phạm Sử, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán gần như xóa sổ.
Đứng trước khó khăn này, dù năm nay, chỉ tiêu cả nước tăng, nhưng các trường ở Nghệ An việc tuyển sinh các ngành Sư phạm lại rất dè dặt.
Các trường sư phạm dè dặt trong công tác tuyển sinh. Ảnh tư liệu

Năm nay trường chúng tôi được Bộ cho phép tăng chỉ tiêu lên 30%. Nhưng chúng tôi chỉ tuyển sinh dựa trên nhu cầu thực tế và chủ yếu chỉ tuyển sinh sinh viên 2 ngành mầm non và tiểu học, những ngành mà nhu cầu việc làm còn cao. Các chỉ tiêu cho bậc THCS hầu như không có”.

ông Trần Anh Tư – Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An

Ở Trường Đại học Vinh, năm nay trường mở thêm một mã ngành Sư phạm mới là Sư phạm Tự nhiên. Tuy vậy, trường không tăng tổng chỉ tiêu cho ngành Sư phạm.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở các tỉnh Bắc miền Trung và đặc biệt là 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hó và theo đó năm nay vẫn giữ nguyên chỉ tiêu nhằm tránh tình trạng dư thừa giáo viên trong những năm tới”

Ông Trần Bá Tiến – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh

Việc các trường không ồ ạt tuyển sinh ngành Sư phạm cũng cho thấy đầu ra cho ngành Sư phạm trong những năm tới vẫn còn rất nhiều khó khăn. Và để giải quyết bài toán khó này thì việc các nhà trường chú trọng đầu tư cho chất lượng thay vì số lượng là lời giải thông minh. Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng và theo sát với kế hoạch phát triển của từng địa phương.