Tuy nhiên, Mỹ, nước đầu tiên triển khai lực lượng quân sự đến Bán đảo Triều Tiên vào năm 1950 và hiện vẫn duy trì 28.500 quân tại đó, lại chưa sẵn sàng nhất trí với một tuyên bố hòa bình.
Đây chắc chắc sẽ là vấn đề nóng trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.
Cả hai nước đều muốn sự kết thúc cuộc chiến tranh này sẽ được tuyên bố trong năm nay với Mỹ và có khả năng là cả Trung Quốc. Bình Nhưỡng kiên quyết đạt được tuyên bố này trước khi tiến tới hoạt động phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này có một loạt lý do mà giới chức Mỹ từ chối đưa ra một tuyên bố hòa bình chính thức.
Trước tiên, Mỹ muốn kiểm chứng những nỗ lực phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, giống như các chính quyền tiền nhiệm của các Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton, đặt chương trình vũ khí khạt nhân của Triều Tiên lên trên hết.
Lý do chủ yếu là Triều Tiên đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho phép Bình Nhưỡng có thể tấn công lục địa Mỹ.
Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 ở Singapore, Mỹ và Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng đã cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hai bên lại không nhất trí về khái niệm phi hạt nhân hóa.
Hàn Quốc và Triều Tiên muốn có một tuyên bố kết thúc chiến tranh vào mùa Thu này, song đối với Mỹ lộ trình này là quá sớm.
Các chính quyền liên Triều đang làm việc về thời hạn chót cho việc đạt được tuyên bố này muộn nhất là cuối năm nay, song lý tưởng nhất là trước ngày 18/9 - thời điểm khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York. Các quan chức LHQ có thể sẽ mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự cuộc họp này và có bài phát biểu.
Giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul cho rằng, viễn cảnh tốt nhất là ông Kim Jong-un đến LHQ với một tuyên bố hòa bình trong tay. Tuy nhiên, do vẫn giữ thái độ hoài nghi với cam kết của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa nên giới chức Mỹ cho rằng thời hạn trên là quá nhanh.
Giớichức Mỹ lo ngại một tuyên bố hòa bình có khả năng làm phai mờ vai trò của quân đội Mỹ tại châu Á.
Họ lo sợ Tổng thống Hàn Quốc có thể tìm cách giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ hay làm suy yếu quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, sau một tuyên bố kết thúc chiến tranh./.