Nghịch lý giá lợn - giá thịt
Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, giá lợn hơi lao dốc, có nơi chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đến 24/10 giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh, vượt mốc 55.000 đồng/kg, có nơi lên đến 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi phấn khởi. Nhưng liên tiếp 3 ngày nay, giá lợn hơi lại quay đầu giảm xuống còn 43.000 - 45.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi như “ngồi trên lửa” khi giá vật tư đầu vào đều tăng mạnh.
Trái ngược với việc giá lợn hơi lao dốc thì giá thịt tại các chợ và siêu thị hầu như không giảm, vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, tại thời điểm giá lợn hơi chạm đáy, xuống còn 35.000 đồng/kg thì giá thịt chỉ giảm nhẹ (10.000 - 20.000 đồng/kg) dao động quanh mức 75.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Nhưng ngay khi giá lợn nhích lên trên mốc 50.000 đồng/kg thì lập tức, giá thịt ở các chợ dân sinh được điều chỉnh tăng mạnh, giá thịt mông, vai, ba chỉ, sườn dao động từ 110.000 đồng - 120.000 đồng/kg; chân dò, tai, thủ có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngày 30/10, khi giá lợn hơi xuống còn 43.000 - 45.000 đồng/kg thì giá lợn ở các chợ dân sinh vẫn giữ nguyên, dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại). Giá thịt ở các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại dao động từ 120.000 - 135.000 đồng/kg (tùy loại).
Với mức này, bình quân giá thịt thương phẩm cao gấp đôi giá lợn hơi. So với năm 2020, giá lợn hơi giảm 60% nhưng giá thịt ở chợ chỉ giảm 10 - 20%. Mức giảm giá thịt chưa tương ứng với mức giảm của giá lợn hơi.
Bà Nguyễn Thị Lợi, người tiêu dùng ở TP. Vinh cho biết: “Báo, đài liên tục đưa tin giá lợn giảm mạnh, lao dốc, chạm đáy, song người dân đi chợ vẫn phải mua thịt giá cao. So với đỉnh điểm giá lợn tăng kỷ lục 100.000 đồng/kg lợn hơi thì nay, giá lợn giảm mạnh nhưng giá thịt chỉ giảm 15.000 - 25.000 đồng/kg. Về phía người tiêu dùng, thấy bất hợp lý nhưng không biết thắc mắc với ai, vẫn chấp nhận mua với giá thương lái bán ra”.
Chi phí trung gian quá lớn?
Lý giải mức chênh lệch này giữa giá lợn hơi và giá bán lẻ thịt lợn, chị Bùi Thị Ánh Hà - một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Đội Cung (TP.Vinh) cho rằng: “Các lò mổ cung cấp thịt lợn chỉ giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg thịt nên tôi cũng chỉ dám bán ra với mức giảm đó, không thể giảm nhiều hơn”.
Nhằm hạn chế chi phí trung gian, nhiều tiểu thương đã trực tiếp bắt lợn hơi tại chuồng và giết mổ để bán ra thị trường. Chị Hà Thị Anh, tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Cọi (Hưng Lộc, TP.Vinh) cho biết: “Giá lợn hơi giảm, chúng tôi bắt lợn trong các hộ dân và trực tiếp đi giết mổ nên giảm được phần nào chi phí, giá bán lẻ giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với lấy thịt mảnh về bán lại. Tuy nhiên, giá bán ra vẫn phải đảm bảo cân đối với mặt bằng chung ở chợ, không thể giảm nhiều”.
Sở dĩ giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao là do chi phí trung gian cao. Theo đó, thịt lợn thương phẩm bán ra thị trường phải qua nhiều khâu trung gian: thương lái mua lợn, các lò giết mổ, tiểu thương buôn bán lẻ… nên ở mỗi khâu, chi phí lại đội lên, đến tay người tiêu dùng thì giá thịt đã chênh lệch khá lớn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chi phí phát sinh khiến khâu trung gian cũng phải tăng giá thịt để bù vào như: chi phí nhân công, chi phí xét nghiệm để phòng, chống dịch, chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng tăng cao…
Mới đây nhất, tại cuộc họp đánh giá thực trạng chăn nuôi, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức thanh - kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị; thanh - kiểm tra sự chênh lệch giữa giá lợn hơi và giá bán lẻ tại chợ, siêu thị; rà soát lại việc xuất nhập khẩu thịt; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Do đó, để người chăn nuôi không thua lỗ, người tiêu dùng không bị trục lợi thì cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để thương lái và lò mổ ép giá người chăn nuôi, không để tiểu thương tự ý tăng giá bán lẻ thịt lợn. Về lâu dài, ngành chức năng phải hướng dẫn người dân tổ chức tốt chuỗi liên kết để chủ động “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm, không để phụ thuộc thương lái dẫn đến nghịch lý người chăn nuôi thua lỗ vì giá lợn hơi thấp còn người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.
“Trung bình mỗi năm, các hộ chăn nuôi ở Nghĩa Bình cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn lợn hơi cho các địa phương trong huyện và vùng phụ cận như Đô Lương, Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, thu nhập của người chăn nuôi rất bấp bênh khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nhiều thời điểm bị ép giá. Do đó, mong muốn của chúng tôi là được đầu tư lò giết mổ tập trung để 20 hộ chăn nuôi trong tổ khép kín quy trình từ trang trại đến bàn ăn, chủ động đầu ra, giảm chi phí trung gian, cung ứng thịt đến người tiêu dùng với giá cả phù hợp. Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi phát triển”.