Đúng chất Hải Phòng
Người có công đưa Văn Toản đến U23 Việt Nam nhất không phải ai khác ngoài HLV thủ môn CLB Hải Phòng - Nguyễn Đức Cảnh. Trước đó vào năm 2016, Văn Toản được đôn lên đội 1 Hải Phòng, nhưng ngay lập tức cầu thủ này để xảy ra biến cố bị CLB trả về nhà. Để mưu sinh Văn Toản đã bỏ nghề cầu thủ chuyển sang phụ giúp nghề nhôm kính cho gia đình.
Ngứa nghề, thỉnh thoảng thủ môn sinh năm 1999 đi bắt phủi. Sau Tết 2018, HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh đã kêu gọi, động viên cậu học trò quay trở lại với nghề “quần đùi, áo số” để có 1 thủ môn cho Hải Phòng và U23 quốc gia như hiện nay. Chính ông cũng giới thiệu Văn Toản với ông Park chuẩn bị cho SEA Games 30.
Đến nay, Văn Toản thể hiện “đúng chất Phòng” như những đệ tử trước đây của HLV Đức Cảnh. Phong cách thi đấu theo mẫu cổ điển, giống hệt những đàn anh Đinh Xuân Việt, Đặng Văn Lâm hay Vũ Hải, cố gắng bắt bóng an toàn, sử dụng đôi tay nhiều nhất có thể. Với chiều cao ấn tượng (1,86m), Văn Toản chủ động trong việc kiểm soát vòng cấm và xử lý bóng bổng tốt, có thế mạnh về phản xạ, khả năng chỉ đạo hàng phòng ngự, còn khả năng chơi chân, và phát bóng tấn công của thủ môn Hải Phòng bị chấm ở mức... rất kém.
Mùa giải đầu tiên chơi bóng ở V.League 2019, Văn Toản được ra sân 14 trận, để thủng lưới 19 bàn, trung bình 1,3 bàn/trận, giữ sạch lưới 2 trận được cho là những thông số trung bình khá của một thủ môn 20 tuổi. Sai lầm ở Philippens của Văn Toản được xếp vào dạng thiếu khả năng phán đoán tình hình, do kinh nghiệm thi đấu chưa nhiều ngược hẳn với đàn anh Tiến Dũng do quá tự tin để rốt cuộc lại xử lý lố.
Cầu thủ dự bị có thành tích tốt nhất
Câu chuyện của đàn anh Bùi Tiến Dũng lại oái oăm hơn. Là nhà vô địch V.League 2019 và SEA Games 30 nhưng năm 2019 lại được xem là thất bại với thủ môn gốc Thanh Hóa về mặt chuyên môn. Bùi Tiến Dũng đang là cầu thủ dự bị có thành tích tốt nhất sân cỏ Việt Nam tại thời điểm này.
Hai năm thi đấu chuyên nghiệp nhưng số “giờ bay” của Tiến Dũng thua xa đàn em Văn Toản. Ngoài danh hiệu cá nhân, Tiến Dũng thất thế trong cuộc cạnh tranh của CLB, đội tuyển U22, U23 và bất lợi hơn sau những sai lầm chuyên môn thuộc dạng “khó đỡ”.
Những lần xử lý cần đơn giản, an toàn thì Bùi Tiến Dũng lại muốn thể hiện khả năng chuyên môn đúng với đẳng cấp trong quá khứ đã khiến cho anh gặp tai nạn cả ở CLB Hà Nội lẫn SEA Games 30, nếu như bỏ qua mùa giải 2018 trong màu áo Thanh Hóa. Số lần sai lầm vượt quá tiêu chuẩn đối với 1 thủ môn từng có danh hiệu tầm châu lục.
Xu hướng làm mới mình, thể hiện một phong cách hiện đại, thể hiện mình là thủ môn có khả năng chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công tốt của Tiến Dũng là điều không sai. Nhưng có vẻ thời gian và phương pháp luyện tập chưa đưa Tiến Dũng đạt cái ngưỡng mà anh mong muốn mà không ai chỉ cho thủ môn này. Trong tình huống xử lý ở SEA Games 30 có 10 thủ môn thì hết 9, kể cả thủ môn đẳng cấp quốc tế sẽ chọn phương án đẩy nhẹ bóng qua xà chịu phát góc, người duy nhất chọn phương án “có độ khó cao” là Dũng và đã bị mắc sai lầm.
Đồng đội vẫn bên Tiến Dũng, ông Park không bỏ rơi học trò, bằng chứng là ông còn trao chiếc băng đội trưởng cho thủ môn của TP.HCM trong trận giao hữu trên đất Hàn Quốc. Nhưng việc có vượt được qua tâm lý để chớp lấy những cơ hội hiếm hoi mà ông thầy trao cho lại thuộc vào chính thủ môn này.
Không đâu xa lạ, chính ông thầy của Dũng là HLV thủ môn Thế Anh đã từng mắc sai lầm nghiêm trọng khi khoác áo đội tuyển. Nhưng thủ môn gốc Nghệ này đã vượt qua khó khăn để đi lên, một bài học không thể tốt hơn cho Bùi Tiến Dũng.
Tại thời điểm này, nếu ông Park chọn Văn Toản, “bản sao không cần công chứng” thủ môn Văn Lâm của đội tuyển quốc gia vì sự ổn định trong chuyên môn, âu cũng không phải là điều quá lạ.