Dọc bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển nhiều ngày qua.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết, tình trạng cá chết hàng loạt xuất hiện chủ yếu tại vùng bờ biển các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh).
Không chỉ thế, số lượng lớn cá đặc sản nuôi lồng (cá mú, cá hồng…) của người dân địa phương cũng “bỗng dưng” chết bất thường.
Tại Quảng Bình, người dân vùng biển đang hoang mang trước hiện tượng cá biển chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ.
Trước đó, từ ngày 10-14/4, người dân đã phát hiện ra tình trạng này ở các vùng biển thuộc xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) rồi lan dần xuống các bờ biển thuộc huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và cửa biển Nhật Lệ.
Cũng giống như Hà Tĩnh, theo phản ánh của người dân địa phương ven biển Quảng Bình, ngoài cá chết hàng loạt từ biển dạt vào. Cả tấn cá đặc sản nuôi trong lồng cũng chung hoàn cảnh.
Ông Hoàng Viết Thông, Chi cục phó Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình nói: "Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước biển và cá biển chết để làm rõ tình trạng bất thường".
Tương tự, người dân tại vùng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng (huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng vớt được hàng tấn cá trôi dạt vào bờ biển.
Một người dân tại thị trấn Cửa Tùng cho biết, hiện tượng này xảy ra từ đầu tháng 4, gần đây bỗng nhiên tăng vọt.
Lúc đầu thấy cá chết nhỏ lẻ, họ vớt về ăn mà không nghĩ đến nguyên nhân. Khi cá chết hàng loạt, bà con phải vớt về cho lợn hoặc bán ra chợ với giá 2 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, những loại cá này bình thường đánh bắt được, ngư dân bán từ 150 - 200 nghìn đồng/kg.
Người dân vùng ven biển Thừa Thiên - Huế cũng đang hoang mang. Ông Thảo (55 tuổi, trú thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc) cho hay, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra cách đây đã 1 tuần. Ban đầu, chỉ có cá, tôm, mực, cua biển chết rồi dạt vào bờ biển. Nhưng cách đây 3 ngày, khi mực nước thủy triều dâng tràn vào cửa sông thì các loài cá nước lợ cũng bắt đầu chết theo.
Do nước bị nhiễm độc?
Sở NN&PTNT Quảng Bình hôm nay cho biết đã gửi công văn cho Bộ NN&PTNT, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT cùng lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo về tình trạng cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển.
“Từ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Hiện tượng cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy về phía nam lan vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam” - đại diện Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết.
Tại Thừa Thiên - Huế, kết luận kiểm tra của Sở NN&PTNT cho biết, nguyên nhân cá chết hàng loạt là do pH nước thay đổi đột ngột, chất lượng phú dưỡng (PO4) tăng cao đột ngột khiến cá bị thiếu ô xy cục bộ.
Trước đó, đánh giá về tình trạng cá chết hàng loạt tại biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do “nguồn nước bị nhiễm độc” chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh.
Kết luận cũng nêu rõ, “yếu tố gây độc trong môi trường nước” tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng được đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc chết.
Được biết tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang có rất nhiều nhà máy và bãi than hoạt động, như nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, tổng kho xăng dầu Vũng Áng, tổng kho khí hoá lỏng LPG, khu công nghiệp nặng Formosa.
Sau khi ăn cá vớt trên bờ biển hôm qua, em Trần Thanh Thủy (8 tuổi, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị nôn, tiêu chảy nên đã được người nhà đưa đến trạm y tế xã truyền nước và theo dõi. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định độc tố, người dân không nên mua bán, ăn cá chết. |
Theo Vietnamnet