(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn của các viên chức y tế sơ học huyện Quỳ Hợp trình bày: Từ tháng 9/2013 đến nay, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp đã có những quyết định bất hợp lý đối với cán bộ y tế trình độ sơ học ở các trạm y tế xã, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, gây bức xúc trong dư luận…
Lao động bức xúc
Đơn của các viên chức y tế sơ học nói trên nêu: Tháng 9/2013, lãnh đạo Trung tâm Y tế ra quyết định điều động thuyên chuyển chúng tôi công tác tại những đơn vị mới không thời hạn, từ nơi ở đến nơi làm việc cách xa trên 40 km. Trong khi chúng tôi chủ yếu là lao động nữ có tuổi đời đã cao (từ 50 tuổi trở lên). Việc thuyên chuyển đã gây ra rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe. Ngày 19/7/2014, chúng tôi lại được lãnh đạo Trạm Y tế cho biết, Trung tâm Y tế có Công văn 658 hướng dẫn vận động viên chức y tế sơ học nghỉ hưu trước tuổi. Nếu phải nghỉ hưu sớm, chúng tôi quá thiệt thòi về quyền lợi (chỉ được hưởng từ 45 - 65% lương) nên không ai làm đơn xin nghỉ. Để “vận động” có hiệu quả, lãnh đạo Trung tâm Y tế sử dụng biện pháp “đề nghị” các Trưởng Trạm Y tế không giao nhiệm vụ cho chúng tôi, từ công tác chuyên môn cho đến dọn dẹp vệ sinh; hàng quý, hàng năm phải xếp loại viên chức y tế sơ học không hoàn thành nhiệm vụ. Sau 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ lấy đó làm căn cứ buộc chúng tôi thôi việc. Lãnh đạo Trung tâm Y tế còn chỉ đạo: Nếu trạm y tế nào không thực hiện thì lãnh đạo trạm phải chịu trách nhiệm và đồng thời sẽ xếp loại trạm đó không hoàn thành nhiệm vụ…
Đến Trạm Y tế xã Văn Lợi gặp chị Lô Thị Minh (SN 1962) là người “được” lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp thuyên chuyển và “vận động” nghỉ hưu trước tuổi. Chị Minh có gia đình ở bản Hằm (xã Nam Sơn) cách Văn Lợi khoảng 45 km. Năm 1995, chị được biên chế vào làm việc tại Trạm Y tế xã Nam Sơn, chuyên trách tiêm chủng, phòng, chống sốt rét. Trong quá trình công tác, chị từng là Phó Bí thư chi bộ liên khối trường học, trạm y tế; tổ trưởng công đoàn, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp khen thưởng. Chị Lô Thị Minh bức xúc với cách hành xử của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp: “Cách làm của lãnh đạo trung tâm không những làm các viên chức sơ học luôn trong trạng thái bất an, mà còn khiến công tác chuyên môn của các trạm y tế bị xáo trộn…”.
Cũng là người ở xã Nam Sơn, chị Lương Thị Nguyệt (SN 1964) bị thuyên chuyển đến Trạm Y tế xã Hạ Sơn, cách nhà gần 60 km. Chị Nguyệt có hoàn cảnh khá đặc biệt, nhà neo người; bản thân không đi được xe máy. Cơ cực cho bản thân, chị nghẹn ngào: “Con gái đang theo học Cao đẳng Y ở TP. Vinh, đường sá xa xôi, 15 ngày tôi mới về một lần nên nhà không có người ở, đồ đạc từ cái xoong, cái chậu… bị mất trộm hết”.
Theo những viên chức y tế sơ học này, do năm 2013 họ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; năm 2014 tiếp tục không được bố trí công việc nên đành viết đơn gửi đến cơ quan chức năng. Ngày 17/9/2014, đoàn công tác của Sở Y tế đã về làm việc, chỉ ra những việc làm chưa hợp lý của Trung tâm Y tế. Sau đó, các viên chức y tế sơ học đã được bố trí làm việc trở lại (không làm chuyên môn). Tuy nhiên, việc đánh giá xếp loại vẫn bị Trung tâm Y tế áp đặt…
Tại cuộc họp mở rộng ngày 21/8/2014 do Công đoàn Trung tâm Y tế tổ chức có không ít đoàn viên như các chị Vi Thị Thanh (Trạm Y tế xã Châu Quang), Sầm Thị Nhung (Trạm Y tế xã Châu Cường)… bày tỏ sự bất bình với việc “thuyên chuyển, vận động” viên chức y tế sơ học nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Báo cáo số 835/BC-TTYT ngày 4/11/2014 của Trung tâm Y tế Quỳ Hợp về việc báo cáo nội dung, chương trình giám sát của HĐND huyện, thì việc bố trí vị trí, công việc, điều động luân chuyển viên chức có trình độ sơ học được thực hiện theo Công văn số 1600/SYT-TC ngày 22/9/2010 của Sở Y tế. Báo cáo 835 nêu: “Công văn số 1600/SYT-TC ngày 22/9/2010 của Sở Y tế giao: Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm khi trong đơn vị có cán bộ trình độ sơ học làm chuyên môn; Kể từ ngày 1/1/2012, Sở Y tế không chấp nhận cán bộ y tế trình độ sơ học làm chuyên môn. Trên cơ sở đó, Ban Giám đốc giao cho các Trưởng Trạm Y tế xã bố trí công việc cho người có trình độ sơ học; ban hành Công văn 658/TTYT ngày 16/7/2014, về việc vận động viên chức sơ học nghỉ hưu trước tuổi…”.
Thực tế, Công văn số 1600 của Sở Y tế là để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, tinh giảm cán bộ, viên chức trong khoảng thời gian khi Nghị định 132 còn hiệu lực thi hành (năm 2011). Và tại văn bản này, Sở Y tế cũng không hề hướng dẫn các đơn vị trực thuộc cách “vận động” viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo kiểu “điều chuyển” và “không giao việc”. Vậy nhưng, ngày 14/8/2014, Giám đốc Trung tâm Y tế Phạm Đình Luyện lại coi đó là căn cứ để tiếp tục ban hành Công văn 721/TTYT “đe nẹt” cấp dưới: “…một số cá nhân có ý kiến là không có công văn hướng dẫn của ngành cấp trên nên chưa có viên chức đăng ký nghỉ hưu. Trung tâm Y tế căn cứ vào Công văn 1600/SYT-TC ngày 2/9/2010 của Sở Y tế Nghệ An, tiếp tục chỉ đạo các Trạm Y tế xã vận động viên chức sơ học nghỉ hưu trước tuổi. Nếu cá nhân thuộc đơn vị nào không thực hiện thì làm đơn cam kết và chịu trách nhiệm sau khi cam kết. Cá nhân làm đơn cam kết và Trưởng trạm chịu trách nhiệm sau khi cam kết”.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế, ông Lê Giang Nam khẳng định, việc Trung tâm Y tế Quỳ Hợp áp dụng Công văn số 1600 là không đúng. Năm 2010, Sở Y tế ban hành Công văn số 1600 là để vận dụng Nghị định 132/CP cho cán bộ, viên chức nghỉ việc không thiệt thòi quyền lợi. Vì tính chất lịch sử để lại, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều viên chức y tế sơ học đang công tác, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nên sở đã có Công văn 1229/SYT-TCCB ngày 18/7/2012 chỉ đạo các đơn vị đôn đốc những người trong độ tuổi đi học nâng cao trình độ; với những người không trong độ tuổi đi học, thì tiếp tục làm việc đến khi nghỉ hưu. Họ được thực hiện các chương trình y tế quốc gia; vệ sinh môi trường, tư vấn ATVSLĐ…; chỉ không thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến khám, chữa bệnh.
Tại Báo cáo số 835, Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Hợp Phạm Đình Luyện cho rằng: “Sau khi điều động sắp xếp lại, chất lượng cán bộ tại các trạm đã đồng đều, đã đi vào hoạt động nề nếp, chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc, không có biểu hiện trì trệ trong công việc, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện đạt chỉ tiêu”. Vậy nhưng, theo đánh giá của lãnh đạo một số trạm y tế, cán bộ Trung tâm Y tế Quỳ Hợp, thì việc luân chuyển không mang lại hiệu quả tốt.
Chị Lương Thị Xuân - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Sơn cho biết, 2 chị Lô Thị Minh, Lương Thị Nguyệt dù chỉ có bằng sơ học, nhưng cả hai đều nhiệt tình trong công tác, có kinh nghiệm nên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau khi 2 chị bị điều chuyển, 2 người thay thế là các điều dưỡng, y tá trung cấp Lương Văn Chổng, Lô Văn Ngọc (từ Trạm Y tế xã Châu Thành đến), do từ nhà đến trạm xa, nên chưa đảm bảo giờ giấc; không toàn tâm, toàn ý với công việc. Chị Xuân nói: “Tôi thấy việc luân chuyển có nhiều phiền hà, ngay việc quản lý, bố trí sử dụng cán bộ cũng gặp rắc rối. Các trạm y tế khác cũng có tình trạng tương tự. Theo tôi, lãnh đạo Trung tâm Y tế nên cân nhắc lại công tác thuyên chuyển cho phù hợp…”.
Tương tự, Trưởng Trạm Y tế xã Văn Lợi, chị Hoàng Thị Mai cũng đề nghị xem lại việc luân chuyển. Chị Mai nói: “Dù chỉ có bằng sơ học, nhưng những viên chức này thực hiện nhiệm vụ được giao rất tốt. Nhìn lại quá trình công tác, họ là những người có nhiều cống hiến nên cần có sự xem xét. Vì lý do nào đó mà bắt buộc phải điều chuyển, thì nên cân nhắc luân chuyển sao cho phù hợp về quãng đường, để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn”.
Hỏi rằng, sau khi điều chuyển, chất lượng chuyên môn ở các trạm y tế trên địa bàn có được nâng lên hay không? Theo ông Nguyễn Doãn Phú - Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch công đoàn Trung tâm Y tế thì: Từ khi điều chuyển, công tác cán bộ ở các trạm y tế có cân bằng hơn. Nhưng về chất lượng thì chưa được nâng lên. Có những viên chức có bằng trung cấp nhưng không được như những viên chức trình độ sơ học…
Theo ông Phan Đình Đạt - Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp thì sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, HĐND huyện đã tổ chức nắm tình hình ở một số trạm y tế xã, gặp gỡ nắm bắt tâm tư của những người luân chuyển. Qua đó, thấy việc luân chuyển chưa tạo điều kiện cho viên chức trình độ sơ học, nhất là với những người có độ tuổi đã cao. Ông Đạt nói: “Trên địa bàn Quỳ Hợp có khá nhiều viên chức y tế sơ học, việc điều chuyển là để đảm bảo nhân lực ngành Y giữa các địa bàn đồng đều, để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vì vậy là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải điều chuyển hợp lý chứ với cách làm của Trung tâm Y tế huyện vừa qua là chưa phù hợp, gây bức xúc đối với người bị luân chuyển…”.
Theo bà Đinh Thị Hải Lý - Chủ tịch công đoàn huyện Quỳ Hợp, việc Trung tâm Y tế thực hiện điều chuyển, rồi vận động viên chức y tế sơ học nghỉ trước tuổi là chưa đảm bảo quy định, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. “Từ tháng 9/2013 đến nay, trung tâm đã thuyên chuyển đến 50 lượt người. Có những người đã bị thuyên chuyển đến 2 lần. Việc điều chuyển như vậy quá nhiều, gây ra những xáo trộn không hay. Hơn nữa, với những cán bộ nữ có độ tuổi 50, hoặc trên 50, không nên điều chuyển đi công tác xa như vậy. Với cách thực hiện vận động nghỉ trước tuổi của Trung tâm Y tế cũng vi phạm các quy định của Luật Lao động, Luật Viên chức…”.
Vẫn biết rằng, cần có sự sắp xếp, phân bổ nhân lực tại các trạm y tế cho đồng đều để tiến tới đạt chuẩn và nâng cao chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, với phương pháp “đôn đốc, chỉ đạo” của lãnh đạo trung tâm trong “thuyên chuyển, vận động” cho thấy đang có sự dồn ép, áp đặt, trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vì vậy, cần nhanh chóng có sự điều chỉnh hợp lý.
Nhật Lân