(Baonghean) -Câu chuyện nước ta nên hay không nên đăng cai Asiad 2019 đang được bàn luận ngày càng sôi nổi trong các diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những ai được hỏi đều nói là ta đang nghèo không nên chơi sang như thế. Và điều mà nhiều người băn khoăn hơn cả là: Tại răng ngành Thể thao - Văn hóa nước nhà lại hăng hái hết cỡ với việc tổ chức Asiad như vậy?
Hăng hái tới mức người ta sẵn sàng “đánh lừa” dư luận và cả Chính phủ. Cụ thể là trong đề án vận động đăng cai Asiad 2019 được thực hiện vào năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5 nghìn155 tỷ đồng (gần 300 triệu USD), trong số này nguồn ngân sách chiếm 4 nghìn 979 tỷ đồng (96%). Thế nhưng, khi bị Bộ Tài chính bác bỏ với lý do: Khoản ngân sách 4 nghìn 979 tỷ đồng là một gánh nặng với Nhà nước. Con số này chỉ là khái toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều và đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép.
Rứa là ngay lập tức, hồ sơ chi tiết về kế hoạch đăng cai sau đó đã thay đổi nhanh đến chóng mặt. Bộ VH-TT&DL liền phù phép, lùi con số 5 nghìn 155 tỷ đồng xuống mức 3 nghìn tỷ đồng (150 triệu USD). Đồng thời, tỷ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỷ lệ khiêm tốn 4% đã được đẩy lên mức 72%. Cho dù, khoản kinh phí từ xã hội hóa nỏ có căn cứ chi cả! Vì thế khi ông Bộ trưởng “Văn-Thể-Du” giải trình trước Quốc hội đã khiến không chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cả nước hoang mang, lo ngại. Rồi đến khi báo cáo với Chính phủ, ông Bộ trưởng lại trấn an là không xin tiền từ ngân sách Trung ương mà lấy từ ngân sách địa phương. Rứa thì có khác chi chắc! Địa phương, hay Trung ương thì cũng là tiền ngân sách là tiền thuế do dân nai lưng ra đóng góp. Nói vậy là nói loanh quanh, nói nhây nhằm che đậy một mục đích nào đó.
Vì thế, đành phải quay trở lại với câu hỏi: Vì sao ngành - Thể thao - Văn hóa lại cứ cố sống, cố chết lao vào cái việc tiêu tốn một núi tiền của quốc gia như vậy? Đến đây, chợt nhớ đến mấy câu thơ của ông Trạng Trình “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến/Ang không mật mỡ kiến bò chi”. Trong cái chuyện hăng hái thái quá ni chắc có chút “tanh tao, mật mỡ”? Vì được đăng cai, một núi tiền sẽ được đổ vào việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình phục vụ Asiad. Mà đã có công trình thì ắt là có chuyện lại quả, chi hoa hồng để được nhận thầu. Chưa kể những chiêu thức bòn tiền khác như đội giá, nâng khống… Cho nên ở đây có lẽ chuyện nâng cao vị thế nước nhà qua việc tổ chức Asiad chỉ là cái cớ là thứ ngụy trang thôi. Chơ mục đích chính tầm thường hơn thế rất nhiều. Mà như ngài Nghệ ta hay nói là: Vì mánh ăn cả thôi!
Nghệ Nhân