(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 3000 người từng lao động, học tập trên đất nước Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga). Sau hàng chục năm về nước, nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên tình cảm với con người, đất nước Nga tươi đẹp.  
 
images866638_lenin_d_n_d_u_m_t_cu_c_n_i_d_y_c_a_c_ng_s_n___moscow..jpgVladimir Ilyich Lenin.
Có những giai đoạn, cùng với các địa phương khác trong cả nước, ở tỉnh ta được cử sang Nga học tập và công tác. Vào những ngày đầu tháng 11 hàng năm, họ lại náo nức cho cuộc hội ngộ thân mật, mừng Cách mạng tháng Mười, mừng quan hệ văn hóa hợp tác, phát triển Nga – Việt. Họ gặp gỡ, hàn huyên về những ngày trên đất Nga, gợi nhắc kỷ niệm về những người bạn Nga tốt bụng.
 
Ông Ngô Đăng Mười - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An là một trong những người có thời gian học tập, công tác ở Liên Xô dài nhất. Ông từng sang Liên Xô học tập 2 lần, đó là những năm 1970 đến 1973 và 1984 đến 1989. Tất cả những ai từng gặp ông đều cảm nhận được vẻ chân chất, nhiệt tình, vui tươi trong giao tiếp, nhiệt tình trong công việc.
 
Theo ông Mười, đó là “chất Nga” như thấm đẫm vào con người ông. Hơn 9 năm học tập trên đất nước Nga, ông cũng như những người Việt khác đều nhận được những tình cảm quý mến của các thầy cô giáo và những người dân Nga. “Đó không chỉ đơn thuần là sự truyền dạy kiến thức mà cả sự yêu thương chia sẻ, để rồi, khi về quê hương công tác, ở mỗi vị trí khác nhau, mình phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cho xứng với sự giáo dục, giúp đỡ của nước Nga…”, ông Mười tâm sự. Cho đến nay, gia đình ông Mười vẫn còn lưu giữ rất nhiều đồ dùng và những kỷ vật được đưa về từ nước Nga. Trong đó, những bộ bát đĩa và cả chiếc lò nướng kiểu Nga vẫn đang sử dụng tốt…
 
Còn đối với đồng chí Tô Hồng Hải -  Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tại Nghệ An lại có những năm tháng đặc biệt trên đất nước Nga. Đó là những năm từ 1971 đến 1977, đồng chí được Đảng, Nhà nước cử sang Liên Xô theo học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad (Xanh- Pê-téc-bua). Mỗi lần có dịp nói về đất nước Nga, đồng chí như lắng đọng với sự trân trọng. Bởi đến nước Nga, bên cạnh được bồi dưỡng kiến thức, sống thời kỳ sinh viên sôi nổi, những năm tháng đó còn đem đến cho đồng chí mối duyên sâu đậm với người vợ khi đang theo học tại nước bạn.
 
BCH Hội Hữu nghị Việt-Nga thường niên có những cuộc hội ngộ, ôn lại những kỷ niệm trên đất nước Nga tươi đẹp.
 
Đồng chí Tô Hồng Hải chia sẻ: “Tôi là một trong những người may mắn khi được Nhà nước cử đi học ở nước Nga Xô Viết. Chính phủ, những người thầy, những người dân Nga đã mở rộng vòng tay, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi học tập. Những sinh viên đến từ Việt Nam được các thầy, cô đối xử dịu dàng, cẩn thận và nồng ấm như anh em ruột thịt. Nước Nga đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi”. Sau hơn 40 năm nhưng những ký ức về thời sinh viên, về những người Nga nhân hậu, chất phác vẫn như nguyên vẹn. 
 
Qua câu chuyện kể, chị Lê Thị Bình ở phường Trường Thi cho biết: Từ những năm 1982 đến 1986, chị được sang nước Nga lao động. Thời kỳ đó, mới 18 tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ khi sang nước bạn nhưng chị cùng 11 người bạn Việt Nam, chủ yếu ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được bà Nhi-Na ở vùng Oreko-zuc nhận làm con nuôi. Quãng thời gian đó, sự quan tâm, đùm bọc, chia sẻ của mẹ nuôi đã giúp chị Bình và những người bạn vững vàng hơn. Mặc dù về nước đã lâu và hiếm có thời gian gặp lại nhưng tình cảm của những người con Việt Nam với mẹ nuôi người Nga vẫn không phai mờ. Đặc biệt, mới đây, trong tháng 10/2013, bà Nhi-Na, hiện sống ở Matxcơva, đã đích thân về Nghệ An, Hà Tĩnh thăm lại những người con nuôi thuở nào. Sau 27 năm gặp lại, mọi cảm xúc như vỡ òa trong niềm vui hội ngộ.
 
Cũng với tâm tình đó, Đại tá Lê Quốc Báo- Trưởng phòng Cảnh sát PCCC cảm thấy vinh dự hơn khi được theo học tại Học viện PCCC thuộc Bộ Nội vụ - nay là Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ở Thủ đô Matxcơva. Hơn 6 năm ở Matxcơva - trái tim của nước Nga, anh được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại, nhất là những dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 7/11, cả nước Nga là một ngày hội lớn, vui vầy như ngày tết cổ truyền ở Việt Nam.
 
Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Quốc khánh Nga năm nay, Hội Hữu nghị Việt- Nga tại Nghệ An lại tổ chức gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm tươi đẹp về những năm tháng lao động, học tập trên đất nước Xô Viết. Hơn 55 năm hoạt động, Hội Hữu nghị Việt – Nga tại Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tăng cường giao lưu hữu nghị và các cuộc hội thảo khoa học. Đặc biệt, hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, thúc đẩy mối quan hệ kết nghĩa hai tỉnh Ulianốp - quê hương của V.LêNin với Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại, hội thu hút hơn 400 người từng học tập, lao động ở nước Nga tham gia. Mỗi lần gặp gỡ, những câu chuyện cũ, mới được bàn luận sôi nổi và những giai điệu bằng tiếng Nga vui tươi lại được cất lên trong buổi giao lưu đầu tháng 11 càng làm cho tình cảm với nước Nga thêm sâu sắc. 
 
Thể chế chính trị ở Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay có nhiều thay đổi nhưng tình cảm, sự gắn kết của người Nga với người Việt vẫn được gìn giữ, phát huy. Dẫu rằng, trong hàng chục nghìn người Việt từng học tập, lao động ở Liên Xô trước đây ít có dịp trở lại nước Nga, nhưng mỗi lần nhắc đến, ai cũng luôn tự hào và tự nhủ hãy sống xứng đáng với tình cảm yêu quí mà nhân dân, đất nước bạn dành tặng... Hôm nay và mai sau, chúng ta tiếp tục kể cho các thế hệ trẻ về những tình cảm quý giá giữa người Nga và người Việt đã vượt qua cả những xa cách về địa lý, trường tồn với thời gian.    
 
Nguyên Sơn