(Baonghean) - Năm 2002, đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá. Hàng năm tại đền có hai kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 âm lịch (lễ hội khai điểm) và ngày giỗ ông Hoàng Mười (9 - 10/10 âm lịch). Từ năm 2003 đến nay, ngày giỗ ông Hoàng Mười đã được khôi phục thành lễ hội truyền thống không chỉ nức tiếng vùng đất xứ Nghệ mà lan rộng ra cả trong Nam, ngoài Bắc.
Truyền thuyết đậm chất sử thi
Theo “Nghệ An di tích và danh thắng” thì đền Ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, đền còn có tên khác là Mỏ Hạc Linh từ. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân.
Truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười. Hiện nay, ngôi mộ của ông Hoàng Mười nằm trong quần thể di tích của đền.
Di tích đền Ông Hoàng Mười còn có giá trị địa lý, cảnh quan lý tưởng, rất hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông và thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Di tích toạ lạc trên vùng đắc địa, rất "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, phía trước là dòng Lam, dòng Mộc, dòng sông Vĩnh uốn lượn. Đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.
Phát huy giá trị di tích
Mặc dù chưa tới lễ hội, nhưng những ngày này tại đền Ông Hoàng Mười, rất đông du khách, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc đến làm lễ, dâng hương, dâng hoa. Bà Nguyễn Thị Hoa (57 tuổi), đến từ Thành phố Thanh Hóa cho biết: “Không năm nào gia đình bà không đi Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười. Năm nay cả nhà bà gồm 10 người thuê hẳn 1 xe du lịch để đi lại cho thuận tiện. Với bà, đền Ông Hoàng Mười luôn là điểm đến đầu tiên trong tour du lịch tâm linh đầu năm mới, và cuối năm, bà lại tham gia lễ hội (cũng là ngày giỗ của ông Hoàng Mười) với mong ước ông Hoàng Mười sẽ phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, các cháu học hành giỏi giang, con trai, con gái làm ăn phát đạt”.
Những năm qua, thể theo nguyện vọng của nhân dân và du khách thập phương, sau khi đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, bằng kinh phí xã hội hóa và tiền công đức, đền Ông Hoàng Mười đã được tu sửa, xây mới nhiều hạng mục quan trọng như nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ khác như đường vào đền, khu vực nhà sắm lễ, quy hoạch lại bãi gửi xe, hàng quán trước cổng đền… Hàng năm, đền Ông Hoàng Mười đón và phục vụ hàng nghìn lượt du khách gần xa đến vãn cảnh, dâng hương. Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược.
Ông Trương Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh - Trưởng Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười cho biết: Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL đưa vào lễ hội vùng từ năm 2003. Lễ hội năm nay diễn ra trong 2 ngày (9 và 10/10 âm lịch). Để lễ hội diễn ra trang trọng, linh thiêng, ngay từ đầu tháng 10, UBND huyện Hưng Nguyên đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phòng Văn hoá phối hợp xã Hưng Thịnh và Ban Quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười xây dựng kịch bản chi tiết để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội theo đúng quy chế của Bộ VH-TT&DL. Riêng công tác bảo vệ an ninh trật tự, bên cạnh công an và các đội trật tự của xã Hưng Thịnh và Hưng Lợi còn có sự tham gia của lực lượng công an huyện và Huyện đội. Lễ hội có 2 phần: phần lễ bắt đầu bằng lễ khai quang, tiếp đó là lễ rước, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ đại tế và lễ tạ, trong đó chú trọng lễ rước và lễ tế thần tôn trọng truyền thống và nghi thức cổ truyền từ việc tập luyện, mua sắm lễ vật, trang phục và thực hành nghi lễ. Phần hội với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chọi gà, bịt mắt đập niêu, giao lưu văn nghệ, TDTT, thả đèn hoa đăng…
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng VHTT huyện – Phó Ban Tổ chức lễ hội, được biết: Trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện, cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn như Xô Viết Nghệ Tĩnh, quần thể Khu lưu niệm Lê Hồng Phong… đền Ông Hoàng Mười được xác định là một trong những trọng điểm du lịch văn hóa tâm linh có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Vì thế, thời gian tới, Hưng Nguyên sẽ lập dự án nâng cấp, mở rộng đền quy mô hơn, rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.
Thanh Thủy