(Baonghean) - Thực hiện chương trình "hỗ trợ lợn giống cho người nghèo", năm 2016, huyện Thanh Chương đã cấp phát 2 đợt cho các hộ nghèo và cận nghèo thuộc 13 xã 135 với tổng số 952 con lợn. Tuy nhiên, sau khi được cấp phát, một số con đã bị ốm và chết khiến người dân lo lắng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Khánh là hộ cận nghèo ở xóm 3, xã Thanh Khê. Cuối tháng 11/2016, gia đình chị được cấp phát 2 con lợn giống, trọng lượng 15 kg/con, trị giá 5 triệu đồng để làm vốn phát triển chăn nuôi. Nhưng chỉ sau vài ngày, 1 trong 2 con lợn giống mới nhận bị chết. Chị Khánh cho hay: “Trong 2 con lợn đưa về có 1 con không nhanh nhẹn, ít ăn. 3 ngày sau thấy lợn rũ ra, gia đình báo cho cán bộ thú y xã xuống kiểm tra nhưng không phát hiện lợn bị bệnh chi, đến 3h chiều thì lợn vật vã rồi chết”. Sau khi lợn chết, bên cung ứng lợn có xuống kiểm tra và cam kết sẽ cấp bù con lợn khác, nhưng đến nay vẫn chưa có. Riêng con lợn còn lại rất khỏe mạnh, lớn nhanh.
Bà Trần Thị Thìn, công chức nông nghiệp xã Thanh Khê cho biết: Năm 2016, toàn xã được cấp 62 con, mỗi hộ nghèo và cận nghèo ở 7 xóm đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 2 con lợn nuôi nái để phát triển kinh tế, trọng lượng từ 13 - 25 kg/con. Ngoài 1 con lợn bị chết, còn có 6 con của 6 hộ khác được bà con yêu cầu đổi ngay sau khi nhận về, vì có các dấu hiệu chán ăn, lừ đừ. Theo bà Thìn, những con lợn không khỏe mạnh đó có thể do có sức đề kháng kém, sau khi thay đổi môi trường sống và thức ăn, chế độ chăm sóc đã không thích nghi được.
Còn gia đình ông Phan Văn Hòa, ở xóm 6, xã Thanh Thịnh cũng được cấp 2 con lợn giống và bị chết 1 con. Ông Hòa cho biết: Gia đình ông được cấp 2 con lợn có trọng lượng tương đương nhau, khoảng 25 kg/con. Trong khi 1 con ăn khỏe, nhanh nhẹn thì con còn lại ăn ít, mệt mỏi, khoảng 20 ngày thì chết, phải nhận cấp bù con khác nhỏ hơn. Đến nay, con lợn khỏe đã nặng trên 80 kg, mấy tháng nữa là có thể cho phối để đẻ lợn giống. Ông Trần Văn Dực - Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Thịnh cho hay: Trong 62 con lợn được cấp dịp cuối tháng 9, đầu tháng 10/2016, có 4 con đưa về nuôi từ 20 - 29 ngày đã bị chết. Những con lợn này không có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài hay sốt mà chỉ ít ăn, nguyên nhân có thể do thay đổi về thức ăn, nước uống, môi trường sống, một số hộ nghèo điều kiện chăm sóc không đảm bảo.
Được biết, toàn bộ số lợn giống được Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương trực tiếp ký hợp đồng với Công ty TNHH TM&XD Đức Hưng - đóng tại huyện Đô Lương; Công ty CP Xây dựng Ngân An ở huyện Quế Phong và Công ty cổ phần Nga Chín ở huyện Nam Đàn cung ứng. Trước việc có đến 40 con bị ốm và chết trong thời gian qua, người dân lo lắng về chất lượng con giống, vì trong cùng một điều kiện chăn nuôi, lại chỉ có một số con bị chết hoặc bà con phải đề nghị đổi lại. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương - ông Trần Phi Hùng cho biết: Nằm trong chương trình, Thanh Chương có 13 xã được cấp hỗ trợ giống bò và lợn để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Trong năm 2016, số lợn được cấp trong cả 2 đợt (đầu tháng 8 và đầu tháng 11) là 952 con với 456 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi. Đây là chương trình rất thiết thực, giúp các hộ có điều kiện thoát nghèo. Tuy nhiên, trong đợt đầu, có 17 con lợn bị chết và phải đổi, đợt 2 có 23 con bị chết. Ngoài ra có một số con có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn đã được cán bộ thú y chữa trị, khuyến cáo chế độ chăm sóc tốt hơn, riêng những con bị chết, hầu hết đã được cấp phát bù.
Qua kiểm tra, xác định nguyên nhân ban đầu có thể do sức đề kháng của lợn sau quá trình vận chuyển làm ảnh hưởng sức khỏe, cộng thêm thay đổi về thức ăn, nguồn nước và điều kiện chăm sóc, khí hậu. Toàn bộ lợn trước khi được cấp cho người dân đều đã được thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, khẳng định hoàn toàn không bị dịch bệnh. Sau khi có hiện tượng lợn bị chết, huyện đã làm việc với các đơn vị cung ứng giống, thực hiện việc phối hợp, kiểm tra, đồng thời cấp lại lợn giống mới cho những gia đình có lợn bị chết theo đúng quy định trong hợp đồng là bảo đảm lợn sống trong vòng 1 tháng.
Việc cấp phát lại con giống cho các hộ có lợn giống bị chết là điều cần thiết để các hộ nghèo sớm khôi phục chăn nuôi, và đang được các đơn vị cung ứng hoàn thành các quy trình thủ tục để thực hiện. Tuy nhiên, huyện Thanh Chương cũng xác định rõ trách nhiệm và đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị cung ứng kiểm tra, có kết luận cuối cùng để công bố nguyên nhân cho người dân được biết. Từ đó, tránh những đồn đoán, dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến một chương trình có ý nghĩa nhân văn được địa phương thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Phú Hương