Theo thông tin do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, vào ngày 17/1/2019 vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Thời gian phóng dự kiến là 9 giờ 50 phút 20 giây đến 7 giờ 59 phút 37 giây (theo giờ Việt Nam).
Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo, thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ, phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Trước đó, năm 2013 Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từng phóng thành công một vệ tinh khác với tên gọi PicoDragon. Đây là sản phẩm đầu tay của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Nó được tạo ra với mục đích đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, đo đạc thông số môi trường vũ trụ.
Đây là thành quả nghiên cứu bởi chính đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học trong nước. Bởi MicroDrago được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu, dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia của trường từ năm 2013 – 2017.
Sau vệ tinh MicroDragon, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-1 vào năm 2019, vệ tinh NanoDragon vào đầu năm 2020 và LOTUSat-2 vào năm 2022. Đây là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia, không chỉ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việc đưa vệ tinh MicroDragon lên vũ trụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Nó đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của khoa học nước nhà, bên cạnh đó, khẳng định việc làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào bên thứ ba khi sản xuất vệ tinh. Thứ hai, có vệ tinh riêng sẽ giúp Việt Nam sản xuất được các vệ tinh phục vụ nhiều mục đích khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở các vệ tinh quan sát trái đất, phục vụ cho việc cảnh báo thiên tai, thảm họa cũng như phòng chống biến đổi khí hậu.
TS Vũ Anh Tuân, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó Việt Nam phải đặt hàng, sau đó ít nhất hai ngày mới nhận được kết quả. Nhưng có vệ tinh quan sát Trái Đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6 -12 giờ. Như vậy đã giúp giảm độ trễ và không phụ thuộc dữ liệu của bên thứ ba.
Cuối cùng, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam sẽ kéo các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa... phát triển theo.