Với sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, 36 kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon (50 kg). Khối nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 2 dải phổ, ánh sáng khả kiến (bước sóng từ 412 nm đến 740 nm) và cận hồng ngoại (bước sóng từ 730 nm đến 1026 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km. Từng chi tiết như: cảm biến từ trường Trái Đất, bánh xe động lượng, cảm biến mặt trời, cảm biến vị trí, máy thu phát băng tần S, bộ chia sóng băng tần S... đều được lắp ráp cẩn thận, tỉ mỉ đảm bảo độ chính xác cao. Mỗi chi tiết của vệ tinh có nhiệm vụ riêng phục vụ cho việc nghiên cứu, quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Sau 4 năm (2013 - 2017), các kỹ sư vừa tham gia các chương trình đào tạo và trực tiếp thiết kế, lắp ráp, vệ tinh MicroDragon được hoàn thiện và đưa vào thử độ rung lần cuối trước khi phóng. Đây là màn hình điều khiển khi thử nghiệm vệ tinh để kiểm tra, theo dõi các thông số hoạt động của hệ thống. Nhóm kỹ sư trẻ của Việt Nam bên sản phẩm vệ tinh MicroDragon. Họ đang chờ đợi giây phút lịch sử (7 h 50 - giờ Hà Nội, ngày 17/1), vệ tinh MicroDragon sẽ bay vào quỹ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã được xây dựng.