(Baonghean) - Vào dịp hè nắng nóng, oi bức,  người dân TP Vinh đổ xô đến các bể bơi. Học bơi vào mùa hè được đa số trẻ em ưa thích. Dạy trẻ biết bơi sớm không chỉ tránh đuối nước mà còn có sức khỏe dẻo dai, giúp tăng chiều cao. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh và an toàn ở các bể bơi chưa được quan tâm…

Vào 5 giờ sáng, có mặt tại một số bể bơi ở TP Vinh, hầu hết đều trong tình trạng quá tải, mọi người phải xếp hàng lần lượt mua vé vào tập bơi. Người quản lý cho biết, những ngày qua, bể bơi thường xuyên có khoảng vài trăm lượt người vào tắm, bơi. Giá vé cho người lớn vào tắm 25.000 đồng/lượt, trẻ nhỏ 20.000 đồng/lượt. Học bơi, giá 500 - 600 ngàn đồng cho 15 buổi học. Có 2 thời điểm để người bơi lựa chọn: 5 -7h sáng và 17-19h, tuy nhiên, thời điểm buổi chiều vẫn là đông nhất.
 
Khi tìm hiểu về nguồn nước cấp cho các bể bơi, nhân viên quản lý bể bơi ở Quân khu 4, bể bơi Câu lạc bộ cho biết, nước trong bể bơi chủ yếu là bơm từ nước máy, giếng khoan bơm lên. Công tác khử nước ở bể bơi thường dùng chất clo và bể lọc tuần hoàn. Khi được hỏi về cơ quan quản lý chất lượng, quy chuẩn  bể bơi, người quản lý bể bơi trả lời chung chung là chưa thấy có ai kiểm tra.
 
images988026_1d.jpgBể bơi Quân khu 4 thu hút đông trẻ đến học bơi
 
Theo cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo thì: Với số lượng người tham gia bơi quá lớn trong một bể, thể tích nước không đủ để làm sạch, cộng thêm hóa chất từ các loại mỹ phẩm, kem chống nắng... sử dụng khi đi bơi đã khiến vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi, nảy nở gây bệnh. Vì vậy, những người hay đi bơi dễ mắc phải bệnh tiêu hóa, da liễu, phụ khoa, viêm tai, tiết niệu... Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo các bậc phụ huynh, hiện các dịch bệnh như sởi, tay - chân - miệng, thủy đậu... đang có diễn biến phức tạp, nên cần lưu ý phòng ngừa và giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để phát tán, lây lan dịch bệnh.
 
Theo bác sỹ Tăng Xuân Hải, Trưởng khoa Chuyên khoa Tai, Mũi, Họng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh là những yếu tố làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, các bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, bệnh về tóc, nấm kẽ chân… Ngoài ra, trong các bể bơi công cộng không đảm bảo vệ sinh, thường có nguy cơ ẩn chứa Adenovirus. Virus này được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc. Ngoài ra, nếu các bể bơi không được khử trùng bằng clo cũng có nguy cơ chứa các loại vi khuẩn E.Coli, Coliform gây tiêu chảy.
 
Bởi vậy, khi đi bơi vào mùa nắng nóng, phải lựa chọn hồ bơi thích hợp, nước sạch. Sau khi bơi phải tắm lại bằng nước sạch. Quản lý các hồ bơi cần tăng cường vệ sinh hồ, thay nước hồ bơi. Ngoài việc đề phòng những bệnh do nước hồ bơi gây ra; đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cũng cần quan tâm chú ý để tránh những tai nạn như ngạt nước cho trẻ. Tình trạng quá tải là nguyên nhân khiến hồ bơi không đảm bảo an toàn.
 
Mang theo băn khoăn đó, chúng tôi tìm đến phòng VH TT& DL TP. Vinh. Ông Vũ Hồng Đức, Phó phòng Văn hóa phụ trách mảng TDTT thành phố cho biết: Trên địa bàn TP Vinh hiện có 2 bể thu hút đông người đến tắm là bể bơi ở Câu lạc bộ trong Nhà Văn hóa Lao động TP. Vinh, bể bơi Quân khu 4 và các bể bơi dành cho khách nghỉ tại các khách sạn. Hiện chỉ có một bể bơi Trung tâm Đào tạo huấn luyện tỉnh thuộc nhà nước quản lý, còn lại hầu hết các bể bơi trên thành phố là của tư nhân. Theo Thông tư số: 02 /2011/TT-BVHTTDL ngày 10/1/2011 Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn của Bộ VH-TT và DL: “Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn là doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo thủ tục quy định tại Điều 55 của Luật Thể dục, thể thao”. Tuy nhiên, tại TP. Vinh chưa có cơ sở nào đăng ký để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận theo quy định trên. Phó phòng TDTT Vũ Hồng Đức thừa nhận, trong thời gian qua, công tác quản lý tại các bể bơi công cộng còn bị thả nổi, chỉ dừng lại ở kiểm tra nhắc nhở. Thời gian tới phòng đang lên kế hoạch kết hợp với các ban ngành kiểm tra sát sao đưa máy móc vào đo lường quy chuẩn, chất lượng bể bơi.
 
Ngoài ra, điều lo ngại nhất là về tiêu chuẩn chất lượng nước trong các bể bơi, theo Thông tư 02/2011, “Đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể̀ bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất”. Thực tế ở các bể bơi trên địa bàn TP. Vinh mà chúng tôi biết, đều xử lý bằng hóa chất clo. Theo quy định, chỉ số clo dư cho phép trong hồ bơi từ 0,4 - 0,8ppm (tương đương 0,4 - 0,8 mg/lít). Hóa chất clo dư thừa, đồng nghĩa với vi trùng, vi khuẩn như vi trùng mủ xanh, nấm có điều kiện sinh sôi và gây bệnh. Theo ông Đức, hiện do thiếu kinh phí nên chưa có máy móc thiết bị để kiểm tra nồng độ hóa chất xử lý nước tại bể bơi.
 
Bơi lội là môn thể thao hấp dẫn trong mùa hè, là nhu cầu của đông đảo cư dân thành phố. Tuy nhiên, đây lại là loại hình dịch vụ hoạt động có tính chất thời vụ (tập trung vào mấy tháng hè), việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn, quy chuẩn... chưa được chấp hành. Vì vậy, thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan có trách nhiệm đối với các bể bơi công cộng là việc rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người dân tham gia hoạt động  nâng cao thể lực đối với môn thể thao này.
 
Để đi bơi an toàn, cần trang bị những kiến thức nhất định: Thứ nhất, ngửi mùi, nếu thấy nước trong bể bơi có mùi Clo gây sốc đặc trưng, cảm thấy khó chịu có nghĩa là nước trong bể không được xử lý tốt. Do đó, nên chọn bể có màu nước trong tự nhiên, màu xanh vừa phải nhìn thấy rõ đáy bể, không có vẩn đục hay vật thể lạ. Thứ hai, nếu bể có màu xanh bất thường, cần chú ý quan sát số lượng người đến bơi vì con người là tác nhân khiến bể bơi bị bẩn, lây bệnh truyền nhiễm. Thứ ba, nếu số lượng người bơi quá đông, hệ thống lọc nước tại bể sẽ không kịp lọc chất bẩn, người đi bơi dễ mắc bệnh tiêu hóa, da liễu, viêm tai...
Phạm Ngân