(Baonghean) - Từ hàng trăm năm trước, chỉ một dòng Lam mà vời vợi đôi bờ. Tiếng gọi đò khắc khoải lúc trưa nắng, lúc chiều buông, đắm chìm cả trong đêm đông lạnh lẽo. Con nước đầy vơi, lúc lững lờ, lúc dữ dội, vô tình. Một huyện mà ba mươi sáu bến đò ngang. Đất "tứ tắc" khiến con người hạn hẹp. Một con sông cản ngăn mà xa cách, khiến tư duy bó hẹp mỗi xóm làng...
 
Ngày làm cầu, dân chưa đủ cơm ăn. "Buộc bụng, thắt lưng", bán ớt, lạc để mua sắt thép. Cán bộ ngược xuôi bằng xe đạp. Vì quê hương bươn chải hết mọi miền. Những năm tháng ấy, chúng tôi ước ao lương tháng đong đầy 3 yến gạo. Bát cơm có con cá trích nằm ngang. Giản dị, đơn sơ nhưng tưởng chừng không bao giờ đến được. 5 năm ròng (1987-1992), Thanh Chương mới có nổi cầu treo... 
 
Hai mươi hai năm trước, cả vạn người ngỡ ngàng, hò reo, náo nức. Thanh Lĩnh cùng hai phần ba huyện bên ni, Dùng bên nớ mà ngàn năm mới có một ngày. Xe ô tô nườm nượp qua cầu. Trẻ nhỏ mừng vui, tạm biệt đò Dùng. Cụ già trầm tư, hoài niệm... Nam thanh, nữ tú e ấp bên nhau hẹn hò. Gà Thanh Chương, măng chợ Chùa, chè Thanh Mỹ,... cùng sản vật "Mường Giăng" xuôi về phố thị. Náo nức bước chân con trẻ tới trường. Thong thả cụ già bách bộ... 
 
Cầu treo gắn với quê nghèo, nhẫn nại, oằn mình, dãi nắng, dầm mưa. Nối quá khứ với tương lai, nối bao niềm mơ ước... Trong no ấm hôm nay của người dân Thanh Chương, có công lớn của cầu treo Dùng. Có nước mắt, mồ hôi, có trăn trở của bao người trong tháng ngày lận đận. ...
 
Hai mươi hai năm, đâu phải là chớp mắt. Đủ cho một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, vào đại học. Bao chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng đã qua lại cầu treo? Hôm nay, công trình đang hối hả lao cầu. Để cầu treo sẽ đi vào kỷ niệm. Những chú bé sinh ra ngày cầu treo Dùng nối nhịp, những cậu học trò quê ngày ấy lon ton theo mẹ xem cầu. Nay là những kỹ sư, những công nhân nâng tầm cầu hiện đại. Hẹn năm sau cầu vĩnh viễn nối bờ vui...
 
Cầu Rộ, cầu Dùng, cầu Rạng, rồi sẽ còn bao cây cầu nữa... Để mỗi người dân quê tôi lại được... ngỡ ngàng!
 
Anh Đặng