(Baonghean) - Trong Kết luận Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã nêu quan điểm: “Hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là việc hết sức quan trọng, phức tạp, chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện”.

Từ quan điểm đó, một vấn đề đặt ra cần được nhận thức là mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước pháp quyền. Vấn đề cơ bản của đảng cầm quyền là nắm bộ máy nhà nước, nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội theo pháp luật. Giữa đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền có mối quan hệ thống nhất trên cùng một hệ thống pháp luật. Đảng không làm thay nhà nước mà thông qua việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để Nhà nước thực hiện đúng pháp luật. Trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy không làm thay chính quyền mà bằng sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để chính quyền thực hiện nghiêm pháp luật. Đó là nguyên tắc lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với nhà nước pháp quyền.

Kết luận Hội nghị T.Ư 7 còn nêu rõ: “Nhiều vấn đề về nội dung, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền, về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, về quyền làm chủ của nhân dân còn chưa được làm sáng tỏ”. Đây là nguyên nhân làm cho một số nơi không phân định rạch ròi giữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Trong phạm vi từng địa phương, đơn vị, mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước pháp quyền thể hiện trong quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền cùng cấp. Về mối quan hệ này, hiện nay có hai xu hướng cần khắc phục: một số nơi cấp ủy buông lỏng sự lãnh đạo đối với chính quyền, không thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng chính quyền làm sai chế độ chính sách, thậm chí vi phạm pháp luật; ngược lại một số nơi cấp ủy can thiệp sâu vào công việc của chính quyền hoặc làm thay chính quyền, vi phạm nguyên tắc quản lý nhà nước.

Một yêu cầu cụ thể đối với việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở là phải xác định mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Với vai trò đảng cầm quyền, cấp ủy phải có những chủ trương, nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương, chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, có hiệu quả. Với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, chính quyền địa phương trong khi thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Chủ trương, nghị quyết của cấp ủy phải được chính quyền cụ thể hóa bằng những quy định quản lý nhà nước với các  mục tiêu, chỉ tiêu có tính pháp lệnh.

Trong thực hiện nhiệm vụ, thái độ và phương pháp lãnh đạo của người đứng đầu có tác động trực tiếp đến quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền. Có cán bộ được bầu vào cấp ủy để giao trọng trách đứng đầu bộ máy chính quyền, nhưng khi nắm trong tay quyền lực nhà nước đã xem thường cấp ủy, thậm chí không thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy. Có đồng chí bí thư cấp ủy đã dùng “quyền” lãnh đạo của Đảng để chi phối công việc của chính quyền, trực tiếp bố trí các chức danh trong bộ máy hành chính gây bức xúc trong cán bộ, công chức. Những cách làm đó nếu không được chấm dứt sẽ làm suy yếu hệ thống chính trị ở cơ sở.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề thực tiễn. Để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở, vấn đề đầu tiên là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền, trong đó cấp ủy phải thực hiện đúng vai trò của đảng cầm quyền, chính quyền phải thực hiện đúng chức năng của nhà nước pháp quyền.


Trần Hồng Cơ