(Baonghean.vn) - Ruồi là loại côn trùng bẩn thỉu chẳng ai ưa. Vậy nhưng người dân địa bàn xóm 5, xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) lại gọi nơi họ ở là xứ… ruồi! Biết làm sao được – người dân than thở - nhà nào cũng đã đặt bả ở vài nơi, hoặc phun thuốc mà ruồi vẫn sinh sôi nảy nở…
Sống chung với...ruồi!
Nằm cận hai hồ lớn Khe Gang và An Ngãi, lại chen giữa những đồi thông trên 40 năm tuổi, cứ ngỡ xóm 5, xã Ngọc Sơn là nơi có môi trường sống lý tưởng. Thế nhưng không. Ở nhà các hộ dân, ngoài sân, trong nhà, đâu đâu cũng thấy ruồi. Những chỗ ẩm thấp, tanh tao, ruồi đậu đen đặc. Hễ có động, từng đám, từng đám vù lên hoa cả mắt.
Bởi nhiều ruồi, cuộc sống vô cùng khó chịu. Thế nên nhà nào cũng nghĩ cách để diệt ruồi. Phần lớn, các hộ mua thuốc diệt ruồi rồi phết lên mo cau, bìa đặt làm nhiều điểm trong nhà. Thế nhưng cách này xem ra cũng chẳng ăn thua. Vì chỉ dăm tiếng sau, chỗ đặt thuốc đã đặc kín ruồi chết. Nhiều nhà bức xúc mua thuốc bột về hòa nước cho vào bình xịt phun khắp nơi. Với cách này, ruồi dính phải nước thuốc chết thành từng đám đen cả nhà, cả sân. Nhưng khốn nỗi, vì cũng phải phun nhiều lần trong ngày nên rất hôi và độc hại.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đông, là một trong những hộ dân xóm 5 sử dụng bình phun thuốc để diệt ruồi. Anh than thở: “Ruồi là nỗi ám ảnh ghê gớm của chúng tôi. Mùa này còn đỡ. Vào dịp tháng 5 – 6, mỗi khi nồm lên, ruồi nhiều kinh khủng. Nhiều nhà phải mắc màn để ăn cơm. Những ngày ấy, tôi phải phun đến 5 lần. Những lần xách bình ra phun, phải xua vợ con như xua tà vì mùi thuốc hôi, độc hại lắm…”.
Ở địa bàn này, ngoài các cư dân xóm 5 còn có mấy chục hộ gia đình công nhân Đội 2, Công ty lâm nghiệp Quỳnh Lưu cũng phải chịu nỗi khổ vì ruồi. Những người thợ cạo mủ thông than thở, lầm lũi mưa nắng để cạo thông vất vả, thế nhưng về nhà cũng chẳng được yên vì ngồi vào mâm là “ruồi bu đến”. “Dịp lễ tết, hay giỗ chạp là lo vô kể. Những ngày đó, khách khứa đến nhà nhìn thấy ruồi họ phát sợ, không làm sao ăn uống được…” – một chị công nhân nói. Những cán bộ của Công ty lâm nghiệp Quỳnh Lưu quá hiểu và rất chia sẻ “nỗi khổ từ ruồi” mà công nhân của họ đang chịu đựng. Anh Trần Văn Bảo – Trưởng phòng kế hoạch nói: “Chúng tôi thi thoảng cũng ở lại cơm nước với công nhân. Thấy ruồi nhiều mà nghĩ cực cho anh chị em mình quá…”.
Nguyên nhân dẫn đến địa bàn xóm 5, xã Ngọc Sơn có nhiều ruồi là bởi cận kề bãi rác thải chung của toàn huyện Quỳnh Lưu cũ (gồm cả TX. Hoàng Mai) – người dân ở đây bức xúc cho biết. Họ bảo: “Ngày xưa, không khí ở đây trong lành và làm chi có ruồi muỗi như bây giờ. Chỉ vài năm trở lại đây, khi huyện xây dựng bãi chứa rác cho cả mấy chục xã, thị trấn mới là sinh nạn ruồi…”.
Từ xóm 5 đi vào bãi rác thải chỉ khoảng 500 – 600m. Bãi rác thải rộng đến dăm ha, có phòng bảo vệ nhưng của đóng im ỉm. Ở bãi, lượng rác thải đủ loại đã chất cao nổi trên mặt đất đến hàng mét, tràn ra ngoài khu vực hố, cổng... Và, ruồi cực nhiều. Có tiếng động cơ ô tô, ruồi nhặng bay tứ tung, tạo nên những thanh âm vo vo chói tai. Trên bãi rác, dăm con bò kiếm tìm thức ăn và mấy phụ nữ bịt kín chân tay mặt mũi lượn đồ phế thải. Từ xa vẫy lại để hỏi chuyện, họ chỉ vào mặt, rồi khoa tay từ chối. Như ý bảo không thể nói chuyện vì… ruồi.
Dân chịu đựng đến bao giờ?
Bãi rác thải Ngọc Sơn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động năm 2012. Đây là bãi chôn lấp với quy mô 7ha, với 3 hố chứa rác, 2 hố chứa nước rỉ rác. Để quản lý, xử lý rác thải tại bãi rác Ngọc Sơn, UBND huyện Quỳnh Lưu đã hợp đồng với Công ty TNHH Thái Bình Nguyên. Nhà thầu này bên cạnh trách nhiệm quản lý, bảo quản toàn bộ cơ sở vật chất của bãi rác; nhận rác của các xã, thị trấn theo đúng chủng loại và trực tiếp hướng dẫn đổ rác vào hố chứa thì đảm nhận việc chôn lấp, lăn lu rác theo quy trình kỹ thuật; quản lý, thu gom rác dọc tuyến đường từ Quốc lộ 48B vào bãi, trong khu vực bãi, hệ thống thoát nước xung quanh, không để xẩy ra trường hợp rác tồn đọng trên đường đi, khu vực sát hàng rào bảo vệ, mương thoát nước; phun thuốc xử lý mùi, xử lý côn trùng (ruồi, bọ) định kỳ hàng tuần, hàng tháng…
Thể theo những văn bản lưu giữ tại Phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu, cứ 2 tháng, cán bộ chuyên trách môi trường là Đặng Thị Dung lại thực hiện kiểm tra công tác quản lý, xử lý rác thải tại bãi rác Ngọc Sơn. Qua các lần kiểm tra, đều đánh giá trách nhiệm của nhà thầu, bên cạnh đó, đôn đốc, nhắc nhở phun thuốc xử lý môi trường bãi chứa rác thải để giảm thiểu “tối đa lượng côn trùng”. Dù vậy, khi nghe những thông tin từ chúng tôi, theo ông Đậu Đình Năm - Trưởng phòng TN&MT huyện thì “với những khu vực dân cư cận kề bãi rác thải, rất khó mà tránh khỏi vấn nạn ruồi”. Và nói rằng, sẽ tăng cường giám sát nhà thầu thực hiện những điều đã ký kết tại hợp đồng, nhất là việc phun thuốc xử lý côn trùng.
Về giải pháp lâu dài, ông Đậu Đình Năm trao đổi, dù bãi chứa rác Ngọc Sơn lớn nhưng đã có dấu hiệu quá tải vì rác từ TX Hoàng Mai cũng đưa về đây. Vì vậy, huyện Quỳnh Lưu đã có công văn đề nghị TX. Hoàng Mai chấm dứt đưa rác thải về bãi rác Ngọc Sơn từ tháng 1/2016. Bên cạnh đó, đang tìm nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải…
Tìm hiểu, vấn nạn mà cư dân sống xung quanh bãi rác thải Ngọc Sơn đang phải chịu đựng “được” các cơ quan báo chí phản ánh khá nhiều. Thế nhưng, với thực tế đã chứng kiến thì chẳng có gì tiến triển. Để rác tràn ngoài bãi, cao chất ngất, rõ ràng việc san gạt lu lèn, dọn vệ sinh chưa tốt; hơn nữa tại bãi rác, mùi hôi và ruồi nhiều vô kể, qua đó chứng minh việc phun thuốc cũng không đảm bảo.
Vì vậy, phải giám sát chặt chẽ, buộc nhà thầu thực thi trách nhiệm; bên cạnh đó, cần tổ chức phun thuốc diện rộng toàn bộ các vùng xung quanh bãi rác để triệt khử ruồi muỗi.Vẫn biết rằng, đấy chỉ là những giải pháp tạm thời. Thế nhưng trong khi tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thì phải quan tâm mà thực hiện. Đừng để nhân dân ca thán nơi họ ở là xứ… ruồi.
Hà Giang