(Baonghean) - Tháng 5 lại về, trong không khí cả nước có nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 123 Năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng tôi - những người con Nghệ An tìm về Pác Bó, Cao Bằng, nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Chuyến hành trình dài đi qua những địa danh lịch sử từng gắn liền với quãng đời hoạt động cách mạng của Người thật sự là một chuyến đi đong đầy kính phục và tin yêu.

Xuất phát từ TP Vinh lúc sáng sớm tinh mơ, đến trưa 17/5, đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đến được tỉnh vùng biên Lạng Sơn giữa lúc nắng tháng 5 còn oi ả. Sau khi dùng vội bữa trưa, chúng tôi rời Lạng Sơn, tiếp tục hành trình theo Quốc lộ 4A chạy ngoằn ngoèo giữa trùng điệp núi non dọc theo biên giới phía Bắc để về vùng đất Cao Bằng. Cung đường từ Lạng Sơn đi Cao Bằng dài hơn 120 km nhưng chứa trong mình giá trị lịch sử to lớn. Theo hành trình này, lần hồi chúng tôi được chạm vào Thất Khê, Đông Khê, được nhìn thấy ngọn núi Báo Đông – nơi Bác Hồ ngồi quan sát trận đánh Đông Khê. Đây là những địa danh lịch sử gắn liền với chiến thắng của ta trong Chiến dịch Biên giới 1950 nhằm khai thông biên giới Việt – Trung, tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối cùng, sau 3 tiếng chạy xe trong cảm giác xốn xang, Thành phố Cao Bằng đón chào chúng tôi trong nắng chiều êm ả. Lịch trình đã được vạch sẵn, sau một đêm nghỉ lại Thành phố Cao Bằng, sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục hành trình về Pác Bó.

Đường về Pác Bó không còn gian khổ như xưa vì đã có tuyến đường nhựa phẳng lỳ dài 55 km nối Thành phố Cao Bằng cho đến điểm cuối là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Hai bên đường là bức tranh miền sơn cước nơi biên ải phía Bắc xanh màu trù phú của cây thuốc lá, ngô và những cánh rừng lá dần ngả sang màu đỏ. Vụt qua cửa xe là những mái ngói rêu phong của bản làng vùng cao thấp thoáng ẩn hiện trong sương sớm càng tôn thêm vẻ huyền ảo của vùng đất này. Bao nhiêu mệt mỏi sau chặng hành trình dài theo đó cũng tiêu tan, nhường chỗ cho nhiều cảm xúc lẫn lộn, thật khó diễn đạt thành lời khi lần đầu được bước chân trên hành trình lịch sử tìm về nơi “cội núi, nguồn sông”.

Điểm mở đầu cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đền thờ nằm trên ngọn núi cao, lừng lững. Phía trước Đền thờ là dòng suối Lê Nin trong xanh lững lờ trôi; xa xa là những ngọn núi hùng vĩ bao quanh một dải giang sơn gấm vóc của Tổ quốc.

Ở địa danh linh thiêng gắn với một quãng đời hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi sự vật đều gợi nên hình ảnh Bác: 79 bậc thang thắm màu gạch lát dẫn lên điện thờ tượng trưng cho 79 mùa Xuân dân tộc ta có Bác. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, những người con Nghệ An nơi Người sinh ra, dẫn đầu là đồng chí Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy đã thành kính dâng hoa, dâng hương kính viếng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đi trong đoàn đã tiến về khuôn viên của Đền thờ cẩn thận, trân trọng trồng lưu niệm một cây lát hoa.

Trong dòng người về thăm Pác Bó có bác Đàm Văn Quân, ở tổ 30, phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng – một cựu chiến binh 76 tuổi. Khi biết chúng tôi lặn lội từ Nghệ An quê Bác ra Cao Bằng để được tận tay dâng hoa, dâng hương lên anh linh của Người, bác Quân xúc động chia sẻ: “Nghệ An là nơi Bác Hồ sinh ra. Cao Bằng là nơi đầu tiên Bác đặt chân trở về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước và từ đây lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Cao Bằng như quê hương thứ 2 của Bác vậy. Là người dân Cao Bằng chúng tôi rất vinh dự, phấn khởi, tự hào. Mong cho 2 tỉnh chúng ta nói riêng, cả nước nói chung ngày càng phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác. Đây đã là lần thứ 9 tôi lên thăm khu di tích, đặc biệt vào mỗi dịp 19/5 - sinh nhật của Bác”.

Trong không khí xúc động, chúng tôi rời Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để về thăm núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Bó… gắn liền với cuộc đời hoạt động của Người. Những mốc son thời gian không thể nào quên được tái hiện lại qua lời hướng dẫn viên thật hùng hồn và đầy xúc động. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Bác trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung. Người đã chọn Pác Bó là nơi sống và làm việc để vạch ra sách, chiến lược và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, giải phóng đất nước khỏi kiếp nô lệ lầm than, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Chính vì vậy, trong thâm tâm của mỗi người con đất Việt, Pác Bó đã trở thành cội nguồn của cách mạng nước nhà. “Pác Bó theo tiếng địa phương nghĩa là “miệng nguồn” nơi bắt đầu của dòng suối Giàng nước xanh biêng biếc in bóng ngọn núi Đào” cao sừng sững. Khi Bác về Pác Bó, Người đã đề nghị với bà con đổi tên thành suối Lê Nin và núi Các Mác để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối đã nghiên cứu ra Chủ nghĩa xã hội khoa học (Các Mác – đặt tên núi) và người đầu tiên lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vô sản trên thế giới (Lê Nin – tên suối)”, cô hướng dẫn viên Nông Thị Liễu, dân tộc Tày tươi tắn, xinh đẹp trong trang phục truyền thống bắt đầu câu chuyện trong hành trình ngược về lịch sử.

Ngược theo suối Lê Nin theo con đường đá len lỏi - con đường ngày xưa Bác đã đi năm xưa, chúng tôi có cảm giác như mình đang đi về quá khứ 72 năm về trước. Bởi dọc đường đi vẫn còn đó nơi Bác từng ngồi câu cá thư giãn sau nhiều giờ làm việc, còn đó địa điểm cây ổi nơi Bác từng hái lá để đun nước uống và phía bên kia dòng suối Lê Nin là bàn đá nơi Bác dịch sử Đảng.

Ở chân của ngọn núi thứ 3 trong hệ thống 3 ngọn núi Các Mác, bước lên 79 bậc đá - tượng trưng cho 79 mùa Xuân trong cuộc đời của Người, đi qua nền nhà xưa của ông Lý Quốc Súng, một Hoa kiều - nơi Bác từng sống và làm việc sau khi về nước từ ngày 28/1/1941 – 7/2/1941, chúng tôi được mục sở thị hang Cốc Bó.  Tổng độ dài của hang Cốc Bó chỉ khoảng 20m, nơi rộng nhất cũng chỉ 7m.

795280_small_96850.jpg

                   Lãnh đạo tỉnh thăm hang Cốc Bó - nơi ở đơn sơ của Bác Hồ.

Trong lòng hang vẫn còn bút tích chữ Hán của Bác với nội dung: “Nhất cửu tứ nhất niên/ Nhị nguyệt bát nhật” để đánh dấu ngày Bác chuyển vào hang sống và làm việc từ ngày 8/2/1941 và tượng Các Mác trên lòng hang mà Bác đã điêu khắc trong thời gian nghỉ ngơi. Chính trong hang đá tối tăm, lạnh lẽo chỉ với một chiếc giường kê bằng mấy tấm ván, trải lá cây Mạy Tét có sẵn ở ngoài cửa hang, Người đã đưa đường, chỉ lối giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ.

Khi cô hướng dẫn viên Nông Thị Liễu vừa dứt lời thuyết minh, mọi người đều không giấu nổi niềm xúc động trước cuộc sống đơn sơ, giản dị của Người. Bác Võ Xuân Thọ - một du khách 82 tuổi từ Bình Định chia sẻ: “Thật cảm phục tinh thần cách mạng, nhân cách của Bác Hồ. Vì sự nghiệp cách mạng để giải phóng nước nhà mà Bác đã hy sinh bản thân rất nhiều”. Nhân cách ấy cũng đã làm cho bè bạn khắp năm châu cùng thán phục ý chí, cốt cách của Người. Như trường hợp con trai của cố Tổng thống Mỹ J.F.Kenedy đến thăm Pác Bó năm 1997. Trở về Hoa Kỳ, mang theo cả tấm lòng cảm phục, trăn trở, anh đã viết một bài báo đăng trên tờ báo Bưu điện Washington (Washington Post), trong đó có đoạn: Tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại sao trong một cái hang nhỏ hẹp và ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh lại có thể ở đó được, vạch ra một kế hoạch lâu dài giành lại đất nước mà không ai hay biết.

Lòng cảm phục ý chí và tình yêu đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như hiện hữu trong mỗi du khách đến thăm di tích. Hướng dẫn viên du lịch cho biết, ngày sinh nhật Bác hàng năm đã thực sự trở thành một ngày hội của đồng bào các dân tộc không chỉ của tỉnh Cao Bằng mà cả của bà con người Trung Quốc sống ở làng Nặm Quang, huyện Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Còn với chúng tôi, những người con xứ Nghệ gió Lào - nơi chôn nhau cắt rốn của người Cha già kính yêu của dân tộc- một lần được đến với Pác Bó, nơi được xem như là quê hương thứ hai của Người là một lần thêm tin yêu, thêm kính trọng nhân cách của con người vĩ đại.


Thành Duy