(Baonghean) -Chúng tôi tìm về nhà cụ Nguyễn Thị Sơn (92 tuổi), một nghệ nhân hát ví phường vải Câu lạc bộ xã Xuân Hòa (Nam Đàn). Từ ngoài cổng, đã nghe: "Ơ... chớ hỏi em hỏi cả bạn hiền/ Bác Hồ về lại Kim Liên mấy lần?"; "Ơ... chớ Năm Bảy, Sáu Mốt Bác về/ Năm mươi năm ấy xa quê hương nhà". Cả 5 cụ sum vầy đối đáp trông thật ấm cúng. Cụ ít tuổi nhất cũng ngoài 65. Cụ Sơn vui vẻ, "Mấy đêm nay chị em ngồi hát đến 1, 2 giờ sáng mới thôi. Đây là món quà dâng lên Bác nhân kỷ niệm sinh nhật Người".
Trong 5 nghệ nhân: cụ Sơn, cụ Liên, cụ Mão, cụ Tình, cụ Dương, thì cụ Sơn là "cây cổ thụ" hát ví của Xuân Hoà. Cụ trò chuyện với tôi chủ yếu là những lời hát ví nghe thật lắng đọng. Mãi 8 giờ đêm, tôi mới rời nhà cụ.
Cụ Sơn (áo đen), cụ Mão, cụ Liên và nhiều trẻ em trong xã đến nghe ví phường vải.
nay, cụ Sơn đã bước sang tuổi 92 nhưng cụ có một trí nhớ trời phú. Những kỷ niệm về đêm hội làng, câu hát bên bờ sông Đào, ao sen hay giữa sân đình vằng vặc ánh trăng rằm. "Ơ anh đứng bên ni sông ngóng sang bên tê cầu anh nghe tin em kết ngãi trần châu ai rồi/ Ơ em đứng bên ni sông ngóng sang bên tê hồ trăm năm thiếp có bỏ chàng mô/ Chàng đừng sầu riêng trong dạ mà thiếp héo hon trong lòng/; Ơ anh đến thì mời anh vô nhà/ đứng chi ngoài ngõ mà sương sa lạnh lùng/ Vô nhà anh cũng muốn vô/ Sợ lòng thầy mẹ có đặm đà chi không”... Giai điệu sâu lắng, người nghe thấy hết được cái hay, cái tài tình trong nghệ thuật hát của các cụ. "Một ngày không hát ví phường vải, tui thấy nhớ vô cùng. Như đã trở thành thói quen, như cơm ăn, nước uống hàng ngày không thể thiếu..." - Cụ Sơn nói với tôi.
Sinh ra trên mảnh đất Xuân Hoà, 10 tuổi cụ Sơn đã mê hát ví, để rồi nài nỉ mẹ, cô bé Sơn xinh xắn thời ấy đêm đêm theo mấy bác trong làng xuôi về làng Sen nghe câu ca ví phường vải. Nhiều đêm trở về nhà trời đã sang canh. Chỉ một thời gian ngắn, cô đã lĩnh hội được rất nhiều những bí quyết hát ví. Những lời khuyên của các cụ già đã làm cô vui, nhưng chưa ấm lòng bởi chưa được theo học một lớp học thật bài bản. Một lần theo mẹ đi chợ Sa Nam, được nghe các cụ, các bác hát ví phường vải, đúng ngày sinh Bác Hồ. Lần ấy, cụ Sơn khăn gói đi học, và câu hát ví theo suốt cụ đến tận giờ. Về hưu, cụ tham gia biểu diễn trong tỉnh, huyện. Một số địa phương mời cụ dạy hát ví phường vải cho lớp trẻ...
Từ ngày có thêm 5 nghệ nhân: là các cụ: Liên, Mão, Sơn, Dương và cụ Tình, cụ Sơn như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Một tuần, các cụ tổ chức hát một lần vào tối thứ 7. Câu lạc bộ của cụ Sơn vừa là niềm say mê vừa truyền nghề cho những lớp kế tục.
Câu ví phường vải đưa đến cho nhiều lứa đôi yêu nhau nên vợ, nên chồng. Mỗi canh hát cụ Sơn lại nhớ về mối tình thời xuân sắc của cụ và người chồng bên dòng sông Đào thơ mộng hay ngoài bờ dậu râm bụt nhà mình. Từ câu ví phường vải vợ chồng cụ đã nên duyên vợ chồng, sinh ra 3 người con gái cũng đam mê hát phường vải và người con trai liệt sỹ có giọng hát phường vải đi vào lòng người. Cụ Sơn ngừng kể, mắt cụ nhìn ra những ao sen trước nhà mà ngân nga: "Ơ ...Hỏi em quê quán nơi mô/ Anh em có mấy cậu cô trong nhà/ Tuổi đời nghề nghiệp mẹ cha/ Mong em nói rõ thì ta chuyện trò/. Ơ quê em xóm 8 gần bầu/ Gần sông tắm mát gần cầu con giai/ Quê em lắm lúa nhiều khoai/ Gần sông tắm mát hến trai dễ mò…
"Đến một ngày già đi, những lời hát phường vải vẫn sống mãi. Sẽ có lớp người khác thay chúng tôi, níu giữ nguồn gốc, để mỗi tháng Năm về, câu ví phường vải lại ngân lên, mừng ngày sinh của Người!”. Cụ Sơn nói vậy lúc tiễn tôi ra về.