(Baognhean) - Ngày 16/2/2013, Báo Nghệ An nhận được đơn khiếu nại của ông Hồ Đức Dinh (trú tại xóm Bắc Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) cho rằng: Sau khi xóm Bắc Vực được công nhận làng nghề “Mây tre đan xuất khẩu”, xóm lập dự án xin tiêu chuẩn đường làng nghề, lãnh đạo xã hứa sẽ đổ nhựa theo đúng kế hoạch. Trong khi đó, nhân dân đóng góp tiền của, hiến đất, giải tỏa đường rộng 7m, nhưng đến tháng 6/2012 không thực hiện đường làng nghề mà lại đổ nhựa đường 205 – đường tỉnh lộ. Nhân dân bất bình và nhận thấy có sự khuất tất ở đây.

Báo Nghệ An đã cử phóng viên về xã Đô Thành để tìm hiểu sự việc. Ngày 21/2/2013, Báo Nghệ An  đăng bài "Dự án đường làng nghề hay đường 205 ở xã Đô Thành?" khẳng định đường làng nghề cũng chính là đường 205 ở xã Đô Thành. Ngày 1/3/2013, ông Hồ Đức Dinh tiếp tục có đơn gửi Báo Nghệ An khiếu nại và tố cáo "bài báo viết thiếu trung thực, thiên một phía. Không đáp ứng nguyện vọng của dân làng nghề". 

Báo Nghệ An xin cảm ơn ông Hồ Đức Dinh đã quan tâm theo dõi những thông tin báo Nghệ An phản ánh, đồng thời tiếp thu những ý kiến của cá nhân ông. Tuy nhiên, Báo Nghệ An cũng xin trao đổi với ông một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo ông Dinh, tác giả bài viết đăng ý kiến của ông Hồ Sỹ Điến, xóm trưởng xóm Bắc Vực, cho rằng không biết gì về đường làng nghề và không có cuộc họp nào bàn hỏi gì về đường làng nghề, là không đúng. Vấn đề này trong bài báo có đăng ý kiến ông Điến quả quyết: "Về nội dung đường làng nghề, xóm chưa họp buổi nào... Nên không thể khẳng định được đường nào là đường làng nghề và cũng chưa nghe ai thông báo". Báo Nghệ An khẳng định đây hoàn toàn là ý kiến của ông Điến, hiện đang là xóm trưởng xóm Bắc Vực, một người có trách nhiệm cũng là một người dân làng nghề, được thụ hưởng chính sách ưu tiên đối với làng nghề chứ không phải ý kiến của phóng viên.

Thứ hai, tác giả xin khẳng định không xác minh, tìm hiểu thông tin một chiều mà đã gặp những người viết đơn, cụ thể là gặp ông Dinh và một số người ký trong đơn, ngoài ra còn chủ động tìm gặp những người dân trong xã. Đồng thời, tác giả cũng không yêu cầu gặp và phỏng vấn người dân ngay tại phòng Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã.

Thứ ba, vấn đề ông cho rằng nhà báo không cần đăng ý kiến trả lời của lãnh đạo địa phương. Việc này hoàn toàn thuộc về nghiệp vụ tác nghiệp của phóng viên, bởi để tìm hiểu, phản ánh một vấn đề, phóng viên cần phải phản ánh ý kiến trao đổi, tìm hiểu ở nhiều góc độ, nhiều thông tin. Như ông đã được biết, thông qua Văn bản số 99/SKHĐT-CN ngày 18/1/2013 của Sở KH&ĐT trả lời đơn khiếu nại của ông về dự án đường làng nghề. Trong đó Sở KH&ĐT đã nêu: "UBND huyện Yên Thành và UBND xã Đô Thành (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm về việc quyết định địa điểm, nội dung, quy mô đầu tư và huy động nguồn vốn để thực hiện dự án theo quy định". Và trong Quyết định số 1832 ngày 21/3/2012 của UBND huyện Yên Thành "Về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Đường giao thông làng nghề mây tre đan xuất khẩu Bắc Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành" tại Điều 1, nêu rõ: "Chủ đầu tư: UBND xã Đô Thành". Vì vậy, việc nắm thông tin về dự án đường làng nghề không thể không gặp chủ đầu tư. Chính vì vậy việc đưa ý kiến của chủ đầu tư là cần thiết.

Thứ tư, việc ông cho rằng "Dự án đường làng nghề dân không được biết, không được bàn, không được cử cán bộ trong ban quản lý giám sát. Khi làm xong đường, dân thắc mắc mới công bố đó là đường làng nghề Bắc Vực là vi phạm quy chế dân chủ cơ sở, thế mà nhà báo cho đó là đúng". Vấn đề này, trong bài báo tác giả đã phản ánh: "Về phía xã Đô Thành cần rút kinh nghiệm. Trước khi triển khai dự án cần phổ biến tới các xóm qua hệ thống truyền thanh để người dân được biết theo tinh thần quy chế dân chủ cơ sở". Như vậy, tác giả bài báo đã chỉ rõ thiếu sót của UBND xã Đô Thành trong việc không phổ biến rộng rãi để người dân được biết về dự án đường làng nghề; không đồng tình về cách làm của UBND xã Đô Thành.

Thứ năm, vấn đề ông cho rằng "Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) thế mà nhà báo lại đăng tin bài đó khi chưa có kiểm tra, điều tra cụ thể, khác nào tiếp tay cho những người có chức có quyền làm sai, càng sai nữa". Vấn đề này xin trao đổi với ông rằng, mục tiêu của bài báo trước tiên là để tìm ra sự thật và qua tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin tin cậy đã khẳng định: "đường làng nghề cũng là đường 205". Vì vậy, về phương diện báo chí, nhà báo đã phản ánh một cách trung thực ý kiến của những người có liên quan. Thiết nghĩ, bài báo đã đáp ứng được thắc mắc của người dân về việc xác định đâu là đường làng nghề. Còn vấn đề ông thắc mắc về chất lượng đường làng nghề cần có các cơ quan chức năng kiểm định để được trả lời chính xác hơn. Vì vậy, việc ông cho rằng nhà báo "tiếp tay" là hoàn toàn không có cơ sở.


Báo Nghệ An