(Baonghean) Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch xã, chúng tôi đến bản khe Trằng Thượng, 9, xã Thọ Sơn tìm gặp già làng Lô Xuân Máy.

Già làng Máy năm nay đã 69 tuổi đời, có hơn 40 tuổi đảng. Ông sinh ra và lớn lên ở bản Khe Trằng Thượng, hoạt động công tác tại bản từ những ngày còn rất trẻ. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ trong nhiều năm, khi trở về địa phương ông được nhân dân tín nhiệm bầu các chức vụ như: chủ nhiệm HTX, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ xã. Sau khi nghỉ hưu, được đồng bào bầu giữ chức bí thư chi bộ bản. Cuộc đời ông đã chứng kiến rất nhiều biến cố thăng trầm của bản làng trong quá trình xây dựng và phát triển.

786394_small_86995.jpg

 Là bản làng vùng cao, cách trung tâm huyện Anh Sơn 40 km về phía Tây, bản có 111 hộ và 472 nhân khẩu, 100% đồng bào Thái sinh sống. Kể từ năm 1997 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo trong bản luôn chiếm tỷ lệ cao từ 80-90%, con em đồng bào thường chỉ học đến hết tiểu học rồi bỏ học giữa chừng. Đồng bào thường giữ tập quán du canh, du cư đốt nương làm rẫy, khai thác măng rừng để mưu sinh. Năm 1998, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhận thấy Khe Trằng có diện tích rừng, diện tích đồng vệ rộng lớn, già Máy đã đến từng hộ đồng bào vận động bà con xoá bỏ tập tục đốt nương làm rẫy, đưa cây mét, cây keo vào rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, với diện tích đất đồng vệ cao cưỡng, ông vận động đồng bào trồng cây mía nguyên liệu, trồng ngô. Già kể: những ngày đầu đi vận động đồng bào thay đổi cách làm ăn đồng bào không nghe theo, vì thế già phải làm trước để họ làm theo mình. Già làng cùng các con đã vào rừng trồng 2 ha mét, keo và 2 ha mía nguyên liệu. Hàng năm thu nhập của gia đình lên đến hàng chục triệu đồng. Thấy vậy, đồng bào Khe Trằng Thượng đã làm theo già.

Tất cả các hộ dân Khe Trằng Thượng đã từ bỏ tập quán canh tác du canh du cư, thay vào đó là tập trung trồng rừng, trồng mía. Toàn bản hiện có 25 ha mía, gần 40 ha keo, mét, 90% số hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc, thu nhập bình quân mỗi hộ ở bản khoảng 50-70 triệu đồng/ năm. Đời sống dân bản ngày càng được nâng lên. Nếu năm 1998, bản có 90% hộ nghèo thì nay con số đó chỉ còn lại 50% (theo tiêu chí cũ), con em trong bản không còn tình trạng bỏ học giữa chừng.

Trong gia đình mình, già luôn nhắc nhở các con phải giữ gìn bản sắc văn hoá. Vào những năm 1998-1999, ít ai ngờ rằng ngôi nhà của gia đình già đã trở thành lớp học cộng đồng xoá mù chữ cho đồng bào Khe Trằng Thượng và người thầy dạy xoá mù chữ chính là con trai của già. Già làng Lô Xuân Máy cũng là người tiên phong giúp thực hiện và vận động bà con xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Già là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào bản Khe Trằng Thượng, mỗi khi đồng bào định làm một việc gì đó lớn như: tậu trâu, làm nhà, cưới vợ cho con, họ thường đến hỏi già. Già còn là người hoà giải những xích mích, va chạm không đáng có trong đồng bào ở bản. Với sự tiên phong, gương mẫu của một già làng, già đã được cấp uỷ, chính quyền và nhiều tổ chức đoàn thể ghi nhận. Nhiều năm liền già được UBMTTQ tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phong trào già làng, trưởng bản có uy tín và làm nhiều việc tốt cho đồng bào...


Diệp Anh (Huyện uỷ Anh Sơn)