Cách trung tâm huyện lỵ Tân Kỳ (Nghệ An) khoảng 20 km, suối Khe Xanh là nơi giáp ranh giữa xã Nghĩa Phúc và Tân An. Con suối cắt ngang con đường liên xã gồ ghề vì đã xuống cấp. Nhưng đó là một dòng suối độc đáo. Ảnh: Hồ Phương Màu nước xanh trong của dòng suối làm nên tên gọi của nó, suối Khe Xanh là điểm tắm rửa và múc nước sinh hoạt của cư dân lân cận. Ảnh: Hồ Phương Suối Khe Xanh ẩn mình dưới tán rừng rậm rạp nơi có 3 mó nước với một nguồn suối nước nóng. Hai mó nước gần đó lại lạnh hơn bình thường. 3 mó nước tuôn lên từ lòng đất là khởi nguồn của con suối. Ảnh: Hồ Phương Cả 3 mó nước đều trong veo, có thể nhìn rõ lớp rong rêu, cuội sạn và những ngách đá núi chìm sâu dưới làn nước. Ảnh: Hữu Vi Những lời đồn cho rằng, phụ nữ ở xóm Bắc Sơn xã Nghĩa Phúc, nơi gần suối Khe Xanh thường có làn da trắng hồng. Rằng, nước da đẹp đó là do từ tấm bé, chị em đã thường xuyên tắm dưới dòng suối này. Ảnh: Hữu Vi Ba mó nước tạo thành một bãi tắm tuyệt đẹp. Dưới là làn nước trong như lọc, những phiến đá phủ rêu xanh rì, trên là um tùm cây lá và ríu rít tiếng chim rừng. Ảnh: Hồ Phương Ông Nguyễn Văn Hùng, một cư dân địa phương đồng thời là thủ từ ngôi đền cách suối 100 m cho biết: Theo truyền thuyết, bãi tắm còn có tên gọi là Vũng Các Quan. Nơi đây từng là nơi tắm mát của tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỷ 15. Ảnh: Hồ Phương Vào mùa hè, du khách chủ yếu là người địa phương thường tìm đến tắm mát ở con suối độc đáo này. Không ít trong số họ là những người đi lễ đền Khe Xanh. Ảnh: Hữu Vi Cách con suối không xa, đền Khe Xanh cũng là ngôi đền thiêng nhất ở các xã miền núi huyện Tân Kỳ. Ngôi đền được cho là có từ khoảng 600 năm. Tuy nhiên sau nhiều lần bị phá hủy bởi chiến tranh và hỏa hoạn, ngôi đền đã phải xây dựng lại vào năm 2017 từ tiền công đức của người dân. “Sắc phong, chuông đã mất hết” - ông Nguyễn Văn Hùng - thủ từ đền cho biết thêm. Ảnh: Hữu Vi