Vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình hàng trăm năm tuổi
(Baonghean.vn) - Trải qua hàng trăm năm với bao biến đổi thăng trầm, đình Liên Trì ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành vẫn hiện hữu giữa làng quê như một chứng tích sinh động cho bề dày truyền thống văn hóa lịch sử của một vùng đất cổ.
05/07/2019 - 16:17
Đình Liên Trì còn có tên khác là đình Tam Tòa được xây dựng vào năm 1801 dưới triều Tây Sơn, thờ Thành hoàng làng là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật lịch sử nổi tiếng ở thế kỷ 11, người đã có công lớn trong việc “hộ quốc an dân”, trấn trị, xây dựng, mở mang nhiều vùng đất ở xứ Nghệ. Xa xưa, đình có kiến trúc hình chữ “tam”, gồm 3 tòa hạ, trung, thượng điện đồ sộ. Sau những năm chiến tranh đình chỉ còn lại hạ điện. Năm 1996, người dân địa phương lại xây dựng thêm hậu cung. Hạ điện là ngôi nhà 5 gian 2 hồi, dài hơn 20m, rộng gần 10m, trụ vững trên 24 cột lim. Bên trong hạ điện, các vì được thiết kế theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền, chồng rường, chồng đấu. Trên các kẻ, cuốn… được chạm khắc kỳ công các đề tài truyền thống, làm cho kết cấu đình thêm phần mềm mại. Các góc hồi, mỗi góc có một đầu dư hình rồng chầu về trung tâm. So với các ngôi đình cổ khác trong tỉnh, đình Liên Trì mang phong cách thời Nguyễn, các kết cấu gỗ có mật độ điêu khắc không dày, mang tính chấm phá, nhưng khá độc đáo. Mái đình lợp ngói vảy, bờ nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”, đầu giao công cong vút với các hình lân, ly uyển chuyển, thanh thoát, được đắp bằng vôi vựa, sành sứ khá tinh xảo. Trong đình, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ kính, độc đáo, in đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của một vùng quê giàu truyền thống. Ngay gian giữa của đình thờ 2 con ngựa gỗ hướng về trung tâm, bụng ngựa từng là nơi cất dấu tài liệu của cách mạng. Phía hồi trái của đình là nơi dựng các tấm bia lớn bằng đá xanh được chạm trổ công phu. Tấm bia Văn khoa được tạc vào năm 1860 cao 2,2m. Bia Võ Giai tạc từ năm 1930, cao 2m. Trên 2 mặt bia Võ Giai có ghi tên tuổi 82 vị có bằng sắc về võ. Trong ảnh: Bia Văn Khoa có 3 phần: đầu thân, bệ. Đầu bia có hình dáng như đỉnh kiệu, 4 mái cong, vòm, chạm nổi các mặt hổ phù. Đây được xem là một trong những tấm bia cổ 4 mặt độc đáo, hiếm có ở Nghệ An. Thân bia là một khối đá hình hộp có 4 mặt chữ nhật bằng nhau, được trang trí hoa văn tinh xảo. Trên 4 mặt đá khắc chữ Hán danh sách 30 vị khoa bảng của làng qua các kỳ thi. Quá trình tồn tại lâu dài, Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đình Liên Trì không chỉ là chứng tích lịch sử sinh động, hội tụ và phản ánh những giá trị truyền thống cao đẹp của một vùng quê văn vật, mà còn là nơi giáo dục, “tiếp lửa” truyền thống cách mạng, nhân văn và hiếu học của quê hương. Hàng năm, vào ngày 17 tháng Chạp âm lịch, làng Liên Trì lại tổ chức lễ hội đình, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đối với quê hương, đất nước.