(Baonghean) - Tôi nhận được điện thoại của cậu em trai: “Mời anh, chị về ăn cơm “óc khọ” cho cháu bé”. Từ khi cái điện thoại về bản, người ta đỡ phải đánh đường lặn lội đi mời lễ, mời cưới. Xu thế hiện đại, nhiều thứ lễ của người vùng cao chúng tôi cũng đã khác xưa nhiều. Lễ “óc khọ” cũng vậy...
Cậu em tôi lấy vợ bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (Tương Dương). Ngày nay, bản Xiêng Hương vẫn còn nhiều nhà sàn cổ, dẫu rằng nhà xây, nhà tầng đang dần lấn át nhà sàn. Ở đây, người ta vẫn giữ nếp sống của người Thái và một vài phong tục vẫn được duy trì…
Sau đám hỏi, theo phong tục xưa cậu em tôi phải về “ở rể”. Trong thời gian này, một bé trai nặng trên ba ký chào đời. Thời nay, mỗi đứa trẻ đều sinh ra tại bệnh viện và biết được tình hình sức khỏe, cân nặng, được làm giấy tờ chứng sinh, khai sinh. Hai chục năm về trước, đàn bà con gái trong bản vẫn sinh con ngay cạnh bếp lửa, ngày sinh thì lấy theo lịch âm. Thế mới biết ngày nay, trẻ con ở bản cũng theo xu thế hiện đại. Văn minh quá rồi.
Đầu bài viết, tôi đã nói rằng có nhiều thứ lễ của người vùng cao đã đổi khác và lễ “óc khọ” cũng vậy. Óc khọ là ngày lễ đặt tên của người Thái. Mọi đứa trẻ ra đời đều có một cái tên, cũng có nhiều dân tộc khác nhau có lễ đặt tên. Người Mông, người Khơ mú cũng có tục lệ này. Trước đây, lễ đặt tên được tổ chức sau khi đứa trẻ ra đời một thời gian ngắn. Người ta chọn một ngày lành trong tháng để đặt tên cho con trẻ. “Ngày lành” để đặt tên cho bé trai và bé gái cũng khác nhau. Mỗi người chỉ có một lễ đặt tên duy nhất trong đời. Còn với người Mông thì còn có lễ đặt lại tên khi đã trưởng thành. Ngày nay, người vùng cao cũng đã học theo người Kinh làm lễ đầy tháng cho con. Cậu em tôi là một trong những gia đình như thế. Tôi hỏi “sao em không làm theo tục lệ bản mình?”. Cậu nói ngay: “Ở đây ai cũng làm vậy rồi, mình phải theo thôi.” Tôi đi khắp những vùng người Thái ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đều thấy người bản đã học người xuôi, con sinh ra được một tháng làm lễ “chẵn tháng”.
Nhớ lại ngày làm lễ đặt tên cho cô em út của tôi, cách đây hai chục năm. Cô bé sinh ra còi cọc, lại hay quấy khóc. Người già cho làm một chiếc hình nộm bằng rơm tay cầm chiếc ná treo dưới gầm sàn gần chỗ bé nằm. Lạ thay, đêm đó bé đỡ khóc hơn. Sau ngày đặt tên, bé hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe nhất trong số mấy anh em. Lễ đặt tên của bé út chỉ có một đôi gà và 2 quả trứng luộc. Đó là cách tổ chức lễ đặt tên của một gia đình nghèo và cuối những năm 1980, lúa rẫy mất mùa nên đói kém. Hôm nay làm lễ “óc khọ” đầy một tháng cho con, cậu em tôi mổ hẳn một con lợn, đủ cho cả trăm người ăn. Thời nay, người bản đã đỡ khổ, ai cũng muốn ganh đua cho bằng bản, bằng làng.
Mùa đông, làng bản trầm mặc hơn vì rét mướt, hội, lễ cũng ít, vì thế mà lễ đặt tên của cháu bé nhà cậu em tôi thành hội chính của bản. Mấy cái lò rèn cũng ngừng thổi bễ, đỏ lửa. Gà gáy canh ba cả nhà đã dậy mổ lợn, hệt hư ngày tết vậy. Mới mờ sáng, khi mọi người vừa thức giấc, chiếc loa đã được bật lên. Nhạc sàn, nhạc trẻ được mở thay cho những điệu dân ca xưa. Chiếc loa được vặn vừa phải để khỏi ảnh hưởng đến cháu bé.
Chẳng mấy lúc ngôi nhà nhỏ của ông thông gia trẻ nhà tôi rộn ràng đến vậy. Nhờ ông thông gia khéo sắp xếp mà mọi việc diễn ra nhanh chóng. Mặt trời lên được một con sào, mâm cúng đã được bày ra. Mâm cúng có một rổ thịt lợn đã luộc chín. Ngoài ra còn có gan gà, thịt luộc, thịt kho thái nhỏ mỗi thứ 2 đĩa. Ông thầy mo cũng là một người trong họ tộc của cô em dâu. Dẫu chưa đến tuổi ngũ tuần, ông đã trở thành một ông mo có tiếng ở mấy bản lân cận. Nhiều nhà có việc đều đến xin ông đi cúng giúp. Để được gọi là “mo” không hề dễ, ít nhất cũng phải biết cúng trừ tà, tiễn đưa người chết về cõi trời. Vậy thì còn trẻ vậy đã biết hết những “thủ tục” này sao? Tôi đem thắc mắc này đi hỏi mo Hóa.
Ông điềm tĩnh chia sẻ: “Đó là ở cái duyên của từng người, chú ạ. Từ năm 15 tuổi tôi đã thuộc những bài cúng gọi vía, cúng coi tổ tiên về ăn Tết. Thế nhưng phải khi cha mẹ về già, tôi mới được làm nghề.” À, ra vậy. “Người trẻ các anh cũng học dần đi thôi. Kẻo người già cả “về” hết làm không ai làm giúp đâu”. Tôi biết ông nói “về” nghĩa là về trời, từ giã cõi đời. Thế nhưng muốn học là thầy mo, quả là chẳng hề dễ. Trước tiên, người ta phải học cách từ bỏ lòng tham. Học cách biết sống không vụ lợi. Còn với mo Hóa, thì từ khi thuộc những bài cúng, ông đã thấu hiểu rằng mình làm công việc tâm linh không vì thịt xôi, tiền bạc, mà là nhiệm vụ với đời sống tinh thần của cộng đồng.
Sau lễ cúng là lễ buộc chỉ tay cho cháu bé và bà mẹ. Ông mo là người đầu tiên buộc chỉ tay, sau đó, nhưng người thân trong gia đình, họ tộc đến buộc chỉ tay cho cháu bé, chúc cho nó được lớn nhanh bằng anh, bằng chị. Mấy cháu nhỏ trong họ tộc đến “ăn cơm mừng” cũng được buộc chỉ cốt để cho hồn vía của các cháu khỏi ganh tỵ. Thế là phần lễ coi như đã xong, nhường chỗ cho hội hè chè chén. Tôi chợt nhớ ra dường như còn thiếu lễ chọn tên cho bé. Ngày trước, lễ này thường diễn ra sau lễ cúng hoặc sau bữa cơm chính của ngày lễ. Ngày trước, người bản còn có cách đưa ra trước mặt bé vài món thức ăn, nếu cháu bé chạm tay vào món thức ăn ứng với một cái tên đã được ấn định, cái tên đó sẽ được chọn để đặt cho bé. Cậu em tôi bảo rằng thật ra, gia đình đã chọn đặt tên cho bé từ khi nó chưa chào đời. Cái tên này đã được ghi vào giấy khai sinh. Bé tên là Vi Chí Lương. Tôi gật gù: Vậy là cậu em tôi cũng đã theo kịp “mốt” thời đại rồi đấy nhỉ? Cả cái tên của cháu tôi của rất hợp “mốt”...
Thời hiện đại hóa, có nhiều thứ người bản đã để mất đi, nhưng xem ra nếp sống cũ xưa căn bản vẫn còn. Những thay đổi này cũng là một lẽ thường tình mà thôi.
Hữu Vi