(Baonghean) - Cuối năm là dịp các gia đình vui vầy sum họp. Với người Mông di dịch cư trái phép trở về, thực sự còn là nỗi mừng vui khôn xiết, chúng tôi đã đến xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và nghe “những người trở về” bùi ngùi kể về những ngày lầm lỡ. Thì ra, “cuộc sống phù hoa” ở bên kia biên giới chỉ là một cơn ác mộng…
 
Xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) có gần 25 km đường biên giáp nước bạn Lào, dân số chủ yếu là người Mông. Trước đây, xã là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn bởi đường sá cách trở, nạn phỉ hoành hành, đời sống và nhận thức của nhân dân còn thấp. Nay,  Nậm Càn, số hộ nghèo giảm xuống còn 55,5%, tỷ lệ phổ cập giáo dục của xã đạt trên 83%, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức còn hạn chế vẫn không ít người dân cả tin, bị kẻ xấu xúi giục, ảo tưởng về cuộc sống sung sướng ở bên kia biên giới. 
 
Mấy năm trở lại đây tình trạng di cư trái phép sang Lào của người Mông xã Nậm Càn vẫn diễn ra. Ông Và Bá Dênh, Trưởng Công an xã cho biết: Chỉ tính trong năm 2014, toàn xã đã có 21 hộ với 128 nhân khẩu di cư sang Lào, nhiều nhất là ở bản Nậm Khiên. Trong 21 hộ đi Lào thì có tới 17 hộ di cư trái phép, còn 4 hộ đi theo đường hộ chiếu. Theo ông Lầu Tồng Pó, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn thì: “Nhiều người dân hạn chế trong nhận thức nên bị kẻ xấu xúi giục, lầm tưởng về cuộc sống sung sướng bên kia biên giới. Có nguồn tin cho rằng ở Lào đang thành lập một khu kinh tế mới, dễ làm ăn, người dân kéo nhau sang đó mong cải thiện cuộc sống. Dù đã được can ngăn, vận động, nhưng nhiều người vẫn nhất quyết đi, chỉ khi phải trả giá đắt mới thấm thía”.
 
images1111261_gia_d_nh_anh_x_ng_b__ch_.jpgGia đình anh Xồng Bá Chả.
 
Chúng tôi đến bản Huồi Phao gặp gia đình anh Xồng Bá Chả. Phải chờ mãi khi đêm đến, mọi người trong gia đình anh mới từ rẫy trở về. Nhìn gian nhà tạm bợ của gia đình anh, chúng tôi không khỏi ái ngại, nhưng trông anh Chả rất vui vẻ và hạnh phúc. Anh chia sẻ rằng, năm 2010 cuộc sống gia đình khó khăn, nghe một số người bên Lào nói rằng sang đó sẽ được chu cấp toàn bộ, cuộc sống sung sướng... Cả tin, anh đưa gia đình vượt biên trái phép sang Lào. Nơi anh đặt chân đến là một địa phương của tỉnh Bôlykhămxay.
 
Anh kể lại quãng đời cay đắng của mình: “Năm 2010, gia đình tội bán hết đất đai nhà cửa để đi Lào. Nhưng sang đó, không có việc làm, tiền bạc và lương thực mang theo cạn dần. Những người trước kia gọi sang họ bảo đi buôn thuốc phiện với họ, nhưng mình sợ lắm vì vi phạm pháp luật. Con cái thì không được đi học vì không biết cái chữ của họ. Đi ra ngoài thì sợ bị bắt vì vượt biên trái phép. Khổ không nói hết, phải trở về mới sống được”. Khi chúng tôi hỏi về những người đã đưa anh sang, anh buồn bã: “Tệ lắm! Họ chỉ muốn mình sang để vận chuyển thuốc phiện cho họ thôi, họ không tốt đâu”.
 
Rời nhà anh Xồng Bá Chả, chúng tôi ngược vào bản Thăm Hín, nơi có đại gia đình gồm ba anh em rủ nhau sang Lào vừa trở về. Nhà anh Và Bá Hải là một túp lều nhỏ. Bốn bên thưng bằng tranh nứa trống huơ trống hoác. Tài sản có giá trị nhất trong nhà là chiếc ti vi 14 inch và một chiếc phản nhỏ là chỗ ngủ của cả gia đình. Nghe một số người bảo sang Lào làm ăn rất khấm khá nên ba anh em Hải bán cơ nghiệp kéo sang Lào với hy vọng đổi đời. Nhưng, sang đó, không có việc làm, không có đất sản xuất, con cái đau ốm không được chăm sóc, không có trường lớp, khổ cực không chịu được. Cùng đường, mấy anh em lại dắt díu nhau trở về quê hương bản quán sinh sống.
 
Ông Xồng Xia Súa (bản Huồi Phao), một người cũng từ Lào trở về tâm sự: “Những năm phỉ còn hoành hành ở vùng biên, một số người dân ở đây nhân đó bỏ sang Lào, trong đó có ông Xồng Nhìa Hờ ở bản ta. Năm 2010, ông Hờ trở về và nói rằng, sang Lào sung sướng lắm, mọi thứ đều được chu cấp đầy đủ. Bản thân ông ta cũng rất giàu, có ô tô đẹp để đi. Thế là mình bán hết đất đai nhà cửa được 14 triệu đồng theo ông Hờ. Sang đó, phải đi bộ nơi này sang nơi khác tìm chỗ trú chân, dựng được túp lều nhỏ để ở nhưng không có việc để làm. Ta định mua ruộng để làm nhưng họ bán 30 triệu một héc-ta, mình lấy đâu ra tiền. Những người ở đây sang đó nếu không bán thuốc phiện thì cũng phải bỏ tiền ra để mua ruộng mà làm thôi. Mà khí hậu bên đó nóng lắm, không hợp với người Mông ta. Ốm đau không có thuốc để chữa, khổ lắm. May mà khi trở về, Nhà nước còn thương mình, dựng cho mình cái nhà Đại đoàn kết để ở. Chẳng nơi đâu bằng quê hương mình cả”.
 
Dẫu sao, trở về được quê hương như ông Xồng Xia Súa và một số người khác cũng còn may mắn. Việc di cư tự do không chỉ làm cho cuộc sống của các gia đình mất ổn định, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển của địa phương. Thầy giáo Phan Bùi Hiệp – một giáo viên giảng dạy lâu năm ở Trường THCS Nậm Càn cho biết: “Hầu như năm nào nhà trường cũng rất vất vả trong duy trì sỹ số học sinh vì các em theo bố mẹ di cư sang Lào. Chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhà trường mất học sinh, hoặc học sinh sau khi trở về thì không tiếp tục đến trường nữa”.
 
Tại xã Nậm Càn, bà con đều khẳng định những hộ dân di cư sang Lào là do bị lôi kéo, dụ dỗ về cuộc sống xa hoa bên kia biên giới. Già làng Và Nhìa Tu của bản Thăm Hín cho chúng tôi biết: “Các hộ di cư sang Lào nếu muốn giàu nhanh chỉ có buôn thuốc phiện, còn không thì cũng làm ruộng, làm rẫy như mình thôi, có khi còn khổ hơn ấy chứ. Sau khi gia đình anh Và Bá Hải trở về năm 2013, những hộ dân ở bản Thăm Hín cũng đã nhận thức được phần nào nỗi khổ khi sang Lào nên trong năm 2014 ở bản không có người di cư sang Lào nữa”.
 
Rời xã Nậm Càn, chúng tôi vẫn không khỏi bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt sau những mái nhà tạm của những người trở về từ bên kia biên giới. Một giấc mộng phù hoa tan biến, thay vào đó là những lo toan vất vả khi phải gây dựng lại từ đầu. Hy vọng rằng từ những bài học đắt giá mà nhiều người lầm lỡ trở về mang theo, sẽ không còn ai tin theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu. Yên tâm làm ăn xây dựng dựng đời sống, để “an cư” mới “lạc nghiệp”.
 
Đào Khuê
Trường PTDT - THCS bán trú Nậm Càn, Kỳ Sơn