(Baonghean) - Nghệ An có 82 cây số bờ biển nên ngay từ khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An đã có nghị quyết coi trọng giao thông vận tải biển. Vận tải biển trong những năm đánh Mỹ là một trang sử đẹp của niềm tự hào biển đảo quê hương.
Thực hiện chủ trương đó, cùng với việc củng cố các Hợp tác xã vận tải sông biển, ngày 26/10/1965, UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Vận tải thủy Nghệ An, tiền thân của Công ty Vận tải đường sông và Công ty Vận tải đường biển sau này. Công ty Vận tải đường thủy có thể nhận hàng từ Hải Phòng về Nghệ An cũng có thể nhận hàng từ Nghệ An chở vào các tỉnh phía Nam.
Tàu vận tải của Nghệ An thời kỳ đánh Mỹ
Lịch sử ngành giao thông vận tải tỉnh ghi tình hình cuối năm 1966: “Do bị đánh phá ác liệt nên phương tiện vận tải thủy có tăng song vẫn không bù được thiệt hại, nhất là vận tại đường biển. Lực lượng vận tải của 2 Công ty Sông biển tăng trong năm được 2.864 tấn, nhưng số thiệt hại lên đến 3.235 tấn thuyền. Nhờ sự chỉ đạo điều hành kiên quyết, có biện pháp ứng phó kịp thời, có lực lượng vận tải chuyên nghiệp của các HTX và thuyền của nhân dân hỗ trợ nên tổng hàng hóa vận chuyển vẫn đạt 759.456 tấn và 36.162 triệu tấn/km. Tính chung trong 3 năm hàng vận chuyển đi chiến trường B (chiến trường miền Nam) tăng gấp đôi; hàng nội tỉnh tăng 1 triệu tấn/km”.
Có nhiều gương vận tải biển anh dũng chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ như ông Cao Tương ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) trong một lần làm nghĩa vụ dân công chở hàng trên biển thì gặp địch. Lợi dụng trời tối, ông đã lái thuyền mình về một phía, nổ súng nhử địch. Địch bắn ông bị thương nhưng cả đoàn thuyền được an toàn. Ông được Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người..
Ông Phạm Bá Lan - Phân đội phó Đơn vị 373, Đội 208 của Vận tải Nghệ An, 13 năm liền là chiến sỹ thi đua được tặng Huân chương lao động.
Từ năm 1969, hàng hóa từ Trung ương chuyển vào Nghệ An không chỉ bằng đường bộ, mà bằng cả tàu lớn cập cảng Bến Thủy, cảng Cửa Hội. Chính phủ thành lập ban tiếp nhận hàng khu vực Vinh – Bến Thủy do đồng chí Nguyễn Sỹ Hoà, Phó Chủ tịch UBD tỉnh, làm trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban là: tiếp nhận, bảo quản hàng hóa do phương tiện của Trung ương và tàu ngoại thông qua cảng. Những năm 1970-1972,̀ khu vực các xã từ Cửa Hội đến Cửa Lò, đối diện với đảo Ngư là nơi tập kết hàng hóa tiếp nhận từ biển vào, phải chịu sự đánh phá của không quân và hải quân Mỹ ác liệt. Chỉ tính trong gần 2 tháng, vùng đất nhỏ hẹp này bị 2.700 lần đánh phá, nhưng 5 vạn bao hàng từ tàu chuyển vào vẫn được chuyển vào kho an toàn. Trong số những người hy sinh, có một thủy thủ nước ngoài.
Từ năm 1973 đến1974, vận tải đường biển Nghệ An đã lớn mạnh hơn nhiều và con đường vận tả́i biển cũng khác trước, thuyền lớn có thể chuyển hàng thẳng vào các tỉnh phía Nam thuận lợi hơn. Số thuyền công suất̉ lớn của Nghệ An thời điểm này có 106 chiếc, trọng tải 1.510 tấn.
Như vậy, cùng với đường bộ và đường sông, vận tải biển Nghệ An đã góp phần thắng lợi nhiệm vụ vận tải, phục vụ chiến trường miền Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc vùng trời, vùng biển phía Nam khu 4 cũ. Có thể nói, vận tải biển trong những năm đánh Mỹ là một trang sử đẹp của niềm tự hào biển đảo quê hương./.