Cho đến ngày nay, rất nhiều nét mang tính bản sắc văn hoá truyền thống của người Thái không còn được duy trì và bảo tồn với những giá trị nguyên vẹn của nó nữa. Những câu chuyện truyền thuyết, chữ viết, các văn bản cổ của người Thái,... đang có nguy cơ biến mất. Khi chúng tôi đến tìm hiểu về văn hoá truyền thống của người Thái ở hai huyện Con Cuông và Tương Dương, hầu hết người dân đều không nhớ được những tích truyện cổ có liên quan đến nguồn gốc của tộc người mình. Để biết được nguồn gốc các địa danh hay lễ hội của người Thái, chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào những già làng đã ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khoẻ yếu và cũng không kể được gì nhiều.
Cũng giống với thực trạng đáng báo động của nền văn học dân gian, một phần hết sức thân quen, gần gũi và có sức tác động lớn lao đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của dân tộc Thái là các lễ hội. Trong đó lễ hội Xăng khan có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Đây là lễ hội của các thầy mo, nhưng lại thu hút được đông đảo người dân tham dự và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cộng đồng. Theo tiếng Thái cổ, xăng nghĩa là dặn dò, hỏi han, còn khan nghĩa là trả lời, nhận lấy. Xăng khan là một cuộc vui trần gian do các thầy mo đứng ra tổ chức. Lễ hội này thường được tổ chức từ 5 đến 7 ngày và ít nhất 3 năm tổ chức một lần, vào dịp tháng 11 âm lịch, khi lúa ruộng và lúa nương đã được gặt xong. Mục đích của việc tổ chức lễ hội là để cầu an, xin thần linh phù hộ để bà con được khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, là dịp để cho các thầy mo có tài làm bùa phép trấn áp tà ma quỷ dữ, đồng thời làm lễ tưởng nhớ và cảm tạ thần linh đã giúp việc trong quá trình hành nghề của mình. Lễ hội giống như một cuộc thi sát hạch để "cấp chứng chỉ" cho các thầy mo đủ điều kiện hành nghề. Mỗi thầy mo tham dự phải hát đối đáp liên tiếp trong ít nhất 3 ngày 3 đêm mà không được phép lặp lại bất cứ một câu nào. Quá trình tổ chức lễ hội Xăng khan rất cầu kỳ với nhiều hoạt động, đại thể chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là để cho các thầy mo cúng xướng, còn phần hội là sự kết hợp các trò diễn của thầy mo với hoạt động vui chơi của dân bản. Lễ hội Xăng khan chứa đựng nhiều yếu tố huyền bí nhưng đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc Thái và mang tính cộng đồng cao. Rất tiếc từ hàng chục năm nay, lễ hội này không còn được duy trì nữa.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong những năm qua với những cố gắng của ngành văn hoá thông tin và các cấp chính quyền địa phương, chúng ta đã thu được một số kết quả đáng kể như: các lớp học chữ Thái ra đời ở huyện Quỳ Hợp, các CLB dân ca Thái ở huyện Con Cuông và một số nơi, nhiều nhạc cụ được bảo tồn, lưu giữ,... Trong những cuộc thi văn nghệ quần chúng, các tiết mục dân ca truyền thống được khuyến khích và chiếm khá lớn thời lượng của chương trình... Mặc dù vậy, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như kinh phí đầu tư cho việc sưu tầm, bảo tồn văn hoá còn hạn hẹp, đội ngũ những người Thái hiểu một cách tường tận về văn hoá truyền thống của chính họ không còn nhiều. Bởi thế, vấn đề bảo tồn và phát triển các nét văn hoá của người dân tộc thiểu số vẫn là một bài toán còn đang bỏ ngỏ. Đơn cử mới đây nhất, giáo sư Lương Văn An đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã có ý định bỏ 100 triệu đồng để phối hợp với UBND huyện Con Cuông khôi phục lại việc tổ chức lễ hội Xăng khan nhưng không thực hiện được vì không thể tìm ra được người nào có kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội này, số thầy mo đang hành nghề hiện nay cũng rất hiếm. Hơn nữa để tổ chức một lễ hội mang qui mô lớn như lễ hội Xăng khan, kinh phí 100 triệu đồng cũng không thể đủ.