(Baonghean) - Hôm nay bạn mình gửi cho mình một bài báo kèm lời nhắn: Đọc đi cậu, buồn cười lắm. Hoá ra là tin về luật mới của Nhà nước, theo đó chủ nhà sẽ phải đóng tiền bảo hiểm cho người giúp việc, người giúp việc được nghỉ phép có trả lương ít nhất 4 ngày một tháng, kèm theo nhiều "ưu đãi" khác. Đọc xong mình dội cho đứa bạn một gáo nước lạnh: "Buồn cười chỗ nào?"
Thật ra chỉ những người chưa từng xem giúp việc là một nghề mới thấy tức cười. Bởi vì sao? Phàm đã là người lao động tất nhiên đóng bảo hiểm lao động là điều quá hiển nhiên. Nhưng vốn dĩ có bao nhiêu người trong xã hội mình xem giúp việc là một nghề, cũng như công nhân, tài xế, giáo viên, viên chức? Nếu mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc tốt đẹp thì người giúp việc cũng như bà vú trong nhà, thậm chí có khi con cái chủ nhà còn quấn người giúp việc hơn cả bố mẹ (vì bận rộn nên không phải lúc nào cũng kề cận chăm bẵm được cho chúng từng li từng tí). Ngược lại, có nhiều trường hợp chủ nhà và người giúp việc hục hặc nhau, khi thì chủ nhà hách dịch coi người giúp việc là tôi tớ, lúc thì vì người giúp việc có ý định bất minh, muốn lấy của hay thậm chí là lấy... cả người.
Nhà mình cũng thay người giúp việc năm, bảy lần, mỗi lần một lý do. Người đầu tiên vốn là một người họ hàng xa ở quê, nhiều gia đình ở Việt Nam cũng tìm người giúp việc kiểu này, vì không ít thì nhiều cũng có dây mơ rễ má, đáng tin hơn người dưng nước lã. Mình còn nhớ chị này nhanh nhảu, tháo vát cực kỳ, không có chỗ nào để chê trách. Mỗi tội được một năm thì chị này xin về quê để... đẻ đứa nữa. Rút kinh nghiệm, lần sau mẹ mình chỉ chăm chăm tìm những người đã luống tuổi, chứ cứ tằng tằng một, hai năm đẻ một đứa thì làm sao người ta lo được việc cho nhà mình khi mà việc nhà họ còn chưa xong? Người giúp việc thứ hai là một bà thím ở quê, cũng hiền lành, cẩn thận, khổ nỗi lại chậm chạp.
Thôi thế cũng đành, nhưng được mấy tháng thì bà này một mực đòi về quê, bảo là vì bà nội mình ngủ... ngáy to quá, làm bà giúp việc mất ngủ liên miên. Bà mình buồn mất mấy tháng vì mất "bằng hữu" già, tối tối cùng nhau xem phim truyền hình tình cảm, đến thương! Mấy lần sau nữa có người này người kia giới thiệu mà cũng chẳng ưng được ai. Sợ nhất có lần cô giúp việc vừa ngày đầu tiên đã có biểu hiện không bình thường, “nhảy” cả vào mồm chủ nhà mà nói. Hoá ra cô này có tiền sử thần kinh không bình thường, nhà mình sợ quá "gửi trả ngay về đơn vị", thế mà cô nàng vẫn quay lại đập cửa hai, ba lần. Hết cả hồn!
Kể chuyện vui nhưng cũng để thấy, tìm người giúp việc vì sao khó. Khó là vì người ta ăn, ở, sinh hoạt cùng mình, người trong nhà với nhau đôi lúc còn khúc mắc, không vừa ý nhau điều này, điều nọ, huống hồ đây lại là người lạ. Người làm được việc thì chưa chắc tính tình đã hợp với mình, người hiền lành đáng tin thì có khi làm việc lại lóng ngóng. Nhiều bà, nhiều mẹ ngồi cơ quan tán chuyện với nhau, quanh đi quẩn lại cũng chỉ than thở với nhau chuyện người giúp việc. Mà nào có phải cứ trả lương hậu hĩnh là tìm được người vừa ý đâu? Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt, người giúp việc dọa về quê là chủ nhà phải lo nịnh nọt, dỗ dành. Hoặc có khi người giúp việc xin nghỉ vài ngày về thăm nhà, chủ nhà lo ngay ngáy sợ người ta đi luôn, suốt ngày ca bài "người ơi người ở đừng về" để giữ chân người giúp việc. Thế cuối cùng ai mới là chủ, ai mới là khách, hihi!
Nói tóm lại, mối quan hệ chủ nhà - người giúp việc ở Việt Nam nhạy cảm chẳng kém gì chuyện mẹ chồng - nàng dâu, có khi hơn! Mà chung quy, mình nghĩ cũng chỉ vì người ta chưa từng định nghĩa một cách rõ ràng thế nào là chủ, thế nào là người giúp việc. Bởi suy cho cùng, chủ nhà và người giúp việc cũng giống như hai bên trong một hợp đồng lao động, có quy tắc, điều khoản rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên. Đằng này lại mù mờ, không rành rẽ, nên mới có chuyện "lập lờ đánh lận con đen", khi thì chủ xem người giúp việc như tôi tớ, không tôn trọng người giúp việc, lúc thì người giúp việc yêu sách, “được voi đòi hai bà Trưng”. Thế nên, với chính sách mới của Nhà nước liên quan đến người giúp việc, mình cho đó là biểu hiện của việc xem xét, thêm vào danh sách các nghề nghiệp trong xã hội một nghề mới, đó là nghề giúp việc. Nghề này có từ lâu rồi, nhưng người ta chưa từng thừa nhận, âu cũng là một sự bất công và thiệt thòi cho những người lao động chân chính.
Chủ ý thì tốt, nhưng phương thức thực hiện có lẽ còn phải bàn thêm. Bởi, làm sao kiểm soát được việc có hay không có người giúp việc, và nếu có thì làm sao đảm bảo những quyền lợi kể trên sẽ được tôn trọng? Thứ nhất, giữa chủ nhà và người giúp việc thường không có hợp đồng lao động. Thứ hai, không có cơ quan, tổ chức nào trung gian trong mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc, nên nếu có sự cố gì (bất kỳ là do phía nào), thì biết gõ cửa kêu ai? Để giúp việc thực sự trở thành một nghề nghiệp trên bản đồ xã hội Việt Nam, có lẽ cần có sự chuyên nghiệp, bài bản và có tổ chức hơn là chỉ đơn giản đưa ra một vài chính sách. Và hơn hết, cần ở tất cả chúng ta sự tôn trọng lẫn nhau. Xã hội của chế độ nô lệ, đầy tớ đã bị bài xích từ lâu rồi, nhưng lối sống văn minh và công bằng, phân minh giữa người với người, không biết đã có hay chưa?
Hải Triều(Email từ Paris)