Cơ duyên với cầu mây
Nói đến bộ môn cầu mây Nghệ An, không ai không biết đến Nguyễn Thị Quyên. Cô nổi tiếng bởi là vận động viên giàu thành tích bậc nhất trong làng thể thao tỉnh nhà. Tuy nhiên, để có thể đạt được thành tích đó, Quyên phải trải qua quá trình khổ luyện không biết mệt mỏi.
17 năm trước, Quyên đến với bộ môn cầu mây cũng thật tình cờ. Lúc đó đang là học sinh lớp 10, cô gái nhỏ nhắn được nhà trường chọn đi thi đấu Giải Hội khỏe Phù Đổng tỉnh bộ môn bóng đá. Sớm bộc lộ tố chất thể thao, Quyên được nhiều tuyển trạch viên ở nhiều bộ môn để ý. Sau một trận bóng ở bán kết Giải Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm đó, thầy Hoàng Hữu Nghĩa là HLV môn cầu mây của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Nghệ An nhận thấy ở Quyên có những tố chất có thể trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Thầy Nghĩa đã thuyết phục Quyên gia nhập lớp cầu mây của trung tâm.
“Em rất bất ngờ khi thầy Nghĩa gọi em lại và ngỏ ý đề nghị em gia nhập lớp cầu mây của thầy. Lúc đó em cũng chưa hiểu gì về môn cầu mây nên có đôi chút lo lắng, nhưng vì niềm đam mê thể thao, em đã không ngần ngại và đồng ý để thử sức với bộ môn này” - Nguyễn Thị Quyên nhớ lại.
Trong lớp cầu mây ngày đó, Quyên là người tiếp xúc với bộ môn này muộn nhất. Các bạn trong lớp đều tập luyện từ lúc 12, 13 tuổi, riêng Quyên mãi đến 16 tuổi mới bước vào con đường tập luyện chuyên nghiệp. Muộn màng là vậy nên Quyên phải cố gắng gấp 2, gấp 3 các bạn của mình. Có những bài tập khó làm em phải rơi nước mắt vì đau đớn và mệt mỏi.
“Em nhớ nhất là ngày mới đầu vào tập luyện. Chân em phải tập ép sát với tường, bàn chân vuông góc, hai chân tạo thành đường thẳng song song với mặt tường. Bài tập này là cửa ải khó đầu tiên mà vận động viên cầu mây nào cũng phải vượt qua. Bài này khiến em đau, khóc suốt đêm ròng không ngủ được” - Quyên chia sẻ.
Vào tập luyện một thời gian, Quyên dần bộc lộ được tố chất nổi trội của mình. Với đôi chân khéo léo, chuyền 2 bằng lòng chân luôn ổn định, khả năng phản xạ, phán đoán cầu tốt, vì thế em luôn được đóng đinh với vị trí chuyền 2 của đội.
Năm 2006, Quyên là một trong những nhân tố chính của Đội tuyển cầu mây Nghệ An tham gia Giải Vô địch Cầu mây toàn quốc. Đây là giải đấu chính thức đầu tiên của Quyên. Giải đấu này, cô đã để lại dấu ấn mạnh trong mắt các nhà chuyên môn khi không chỉ là vận động viên chuyền 2 có độ ổn định cao mà còn là người có những cú phát cầu “dị” nhất giải. Ngoài ra, Quyên còn có thể tham gia tấn công bằng những cú quét vôi sắc bén của mình. Giải đấu này là bàn đạp để Quyên có những bước tiến vượt bậc trong những năm tiếp theo.
Với khả năng vượt trội ở vị trí chuyền 2, Quyên luôn có tên chính thức trong đội hình Đội tuyển quốc gia cầu mây Việt Nam. Trong sự nghiệp thi đấu thể thao đỉnh cao của Quyên, cô đã giành được rất nhiều huy chương trong nước cũng như quốc tế, một trong số đó là Huy chương Vàng Vô địch cầu mây thế giới vào năm 2016.
Nhớ về tấm Huy chương Vàng này, Quyên không khỏi xúc động. Bởi theo Quyên, Việt Nam không phải là một trong những nước mạnh ở môn cầu mây. Những nước như Thái Lan hay Indonesia có truyền thống ở môn này và đội tuyển của họ rất mạnh. Vì thế, khi giành được Huy chương Vàng ở nội dung đội tuyển 4 Vô địch cầu mây thế giới năm 2016 là một kỳ tích mà cầu mây Việt Nam đạt được. Đây có thể nói là dấu son đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của nữ vận động viên.
Trong suốt quá trình thi đấu, Quyên đã giành được rất nhiều huy chương cho thể thao Việt Nam với hơn 28 huy chương các loại ở khắp các đấu trường quốc tế. Còn trong nước, Quyên được đánh giá là "mỏ vàng" của thể thao Nghệ An. Từ khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, năm nào Quyên cũng cùng đồng đội giành được 3 đến 4 tấm huy chương các loại. Có thể nói, Quyên là một trong những vận động viên giàu thành tích bậc nhất của thể thao Nghệ An.
Với những đóng góp không nhỏ ở cấp bậc đội tuyển cũng như trong nước, năm 2018 Quyên được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được những thành quả đó, ngoài những giọt mồ hôi trên sân tập, bao lần nữ vận động viên nhỏ nhắn ấy rơi lệ bởi những chấn thương đau đớn. Quyên chia sẻ: “Quá trình tập luyện và thi đấu dày đặc khiến nguy cơ chấn thương của em rất cao. Em nhớ có lần khớp gối của em đau đến mức không đi được. Em phải tiêm thuốc trực tiếp vào đầu gối. Nhiều lần cũng nản chí muốn buông xuôi, nhưng vì tình yêu với cầu mây lớn quá nên không thể dứt được. Vậy nên em đã kiên trì để vượt qua chấn thương mà thi đấu tiếp”.
Bây giờ khi đã bước sang tuổi 34 cũng là bên sườn dốc của sự nghiệp, Nguyễn Thị Quyên vẫn khát khao cống hiến cho thể thao tỉnh nhà. Nhưng bên cạnh đó, Quyên còn muốn truyền lại những kinh nghiệm mà mình có cho lớp lớp những thế hệ sau. Trong những giờ tập luyện, Quyên luôn dành nhiều thời gian hướng dẫn những động tác từ cơ bản đến nâng cao cho các lứa đàn em sau này. Bởi theo Quyên, thành công của một VĐV không chỉ đến từ năng khiếu mà còn phải trải qua quá trình khổ luyện. Và những người đi trước như Quyên, với nhiều năm thi đấu đỉnh cao đã tích góp được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể hướng dẫn cho lứa VĐV kế cận. Đam mê và nhiệt huyết, một Nguyễn Thị Quyên cháy hết mình trên các đấu trường giờ đây khao khát được thắp lửa tình yêu thể thao đến các thế hệ vận động viên trẻ, để cầu mây Nghệ An giữ vững vị trí tốp đầu cả nước.