Có vẻ như sau hàng loạt phản hồi khá bức xúc từ báo chí và lãnh đạo các đội bóng khác, và thậm chí cả là từ một lãnh đạo cũ của VFF (nguyên Phó Chủ tịch VFF Trần Duy Ly) về sự tồn tại dai dẳng của tình trạng “một ông chủ, 2 đội bóng” tại V-League từ mấy năm nay, dường như VFF đã không thể tiếp tục im lặng. Cho tới cuối giờ chiều qua, cho dù VFF vẫn chưa phát ra bản thông báo chính thức nào về vấn đề đang gây nhức nhối dư luận này, nhưng nghe nói phần quy định về nhà tài trợ ở Điều 67 của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã được mang lên bàn làm việc để nghiên cứu rất kỹ.
Theo như tuyên bố của bầu Hiển trong cuộc giao lưu trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử ngày 26/9 vừa qua, rằng: “Về pháp lý, CLB HN.T&T thuộc Công ty CP thể thao T&T, SHB.ĐN thuộc Công ty CP thể thao SHB.ĐN. SHB tài trợ cho Công ty CP thể thao SHB.ĐN và T&T tài trợ cho Công ty CP thể thao T&T. SHB và T&T là 2 công ty hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp. Về việc này, VFF đã thanh tra hằng năm và khẳng định đó không phải là tình trạng một ông chủ - 2 đội bóng”, thì giữa HN.T&T và SHB.ĐN không có sự liên kết trực tiếp nào để kết luận họ là 2 đội bóng của bầu Hiển về mặt giấy tờ.
Bầu Hiển thường xuyên xuất hiện cùng các thành viên của SHB.ĐN
Đúng là trên thực tế bầu Hiển không có cổ phần ở Công ty CP thể thao SHB.ĐN và thậm chí có thể là cả ở Công ty CP thể thao T&T, như kết quả kiểm tra của VFF, nhưng điều này vốn chẳng có nhiều ý nghĩa, khi 2 Công ty CP thể thao SHB.ĐN và T&T chắc chắn sẽ không kiếm đâu ra hàng chục tỷ đồng để chi cho HN.T&T và SHB.ĐN nếu như không có túi tiền của bầu Hiển, người giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả tập đoàn T&T cũng như ngân hàng SHB, “Công ty mẹ” của 2 Công ty CP thể thao SHB.ĐN và T&T.
Vì thế, nếu bảo rằng vì bầu Hiển không có cổ phần ở cổ phần ở Công ty CP thể thao SHB.ĐN hoặc Công ty CP thể thao T&T mà bảo rằng bầu Hiển không phải là “một ông chủ 2 đội bóng” thì quả là rất thiếu sức thuyết phục. Nếu bầu Hiển không phải là ông chủ của cả 2 CLB này thì tại sao mọi quyết sách quan trọng nhất ở HN.T&T và SHB.ĐN, từ chuyện nhân sự cho tới tài chính, đều thấy vai trò quyết định của bầu Hiển, trong đó rõ nhất là việc ông bầu này thường xuyên công khai mức thưởng cho HN.T&T hay SHB.ĐN sau mỗi trận thắng ngay trước sự chứng kiến của báo chí và cả quan chức VFF.
Có thể VFF sẽ biện bạch rằng vì là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên họ không có công cụ giám sát và kiểm tra để biết chính xác xem tình trạng cổ phần của bầu Hiển ở T&T và SHB là như thế nào, nhưng thực ra chuyện này đâu có quan trọng gì, bởi việc bầu Hiển đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả tập đoàn T&T cũng như ngân hàng SHB có thể nói thay cho tất cả.
Ở khía cạnh luật lệ, một khi HN.T&T và SHB.ĐN đã tham gia sân chơi do VFF tổ chức là V-League thì đương nhiên họ sẽ phải tuân theo mọi quy định của cuộc chơi, kể cả việc trình ra toàn bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc số tiền mà mình nhận được hàng năm để hoạt động nếu như được VFF yêu cầu. Bầu Hiển có thể không có cổ phần ở Công ty CP thể thao SHB.ĐN, nhưng doanh nghiệp này chắc chắn không thể tự tồn tại nếu như không có “bầu sữa” của T&T hoặc SHB, vì doanh thu bán vé sân nhà của SHB.ĐN không đủ để nuôi sống CLB, còn tiền bản quyền truyền hình thì chỉ để cho vui.
Hơn nữa, nếu thực sự muốn dẹp bỏ tình trạng “một ông chủ, 2 đội bóng” thì VFF hoàn toàn có thể làm được, vì ở châu Âu, CSKA Moscow, Chelsea và FC Copenhagen là 3 CLB ở 3 quốc gia khác nhau mà UEFA còn không cho phép ông trùm Roman Abramovich nắm quyền lãnh đạo ở cả 3 đội bóng này, thì chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia thì chẳng có cớ gì mà VFF lại không làm được, khi họ nắm trong tay đầy đủ chế tài cũng như văn bản pháp quy. Thêm một điều lạ nữa là tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” đã bắt đầu từ năm 2009, nhưng trong bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới nhất vẫn chưa có sự điều chỉnh phù hợp để ngăn chặn hoặc dẹp bỏ vấn đề ngày càng nhức nhối này.
Lại phải nhắc tới câu nói quen thuộc của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Chuyên nghiệp ở VN mình khác các nước khác”.
Hôm nay công bố danh tính trưởng BTC giải |