(Baonghean) -Với mục tiêu đưa các hộ dân vạn chài trên sông Lam ra khỏi vùng thiên tai lũ lụt, huyện Đô Lương đã xây dựng khu định cư tại vùng Cây Sang - xã Đặng Sơn. Đến nay, cơ sở hạ tầng, điện thắp sáng, nhà văn hoá và 68 lô đất đã sắp hoàn tất. Tuy nhiên, để được ở trong ngôi nhà kiên cố, cuộc sống ổn định, còn rất nhiều vấn đề nan giải mà bà con xóm vạn chài đang phải đối mặt…
Gia đình ông Ngô Văn Lợi ở xóm 6 xã Đặng Sơn là đời thứ 5 trong dòng họ Ngô sống lênh đênh trên sông nước. Đời sống của ngư dân vạn chài nơi đây hết sức cực khổ, không có nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, ngay cả giấc ngủ cũng không trọn vẹn, bởi nếu ngủ quên khi mùa mưa lũ đến thì thuyền sẽ trôi mất, còn mùa cạn thì sợ thuyền mắc lại trên bãi. Gia đình ông Lợi có 6 đứa con, nhưng chẳng đứa nào học hết lớp 7. Chúng phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ mưu sinh bằng nhiều việc như thả lưới bắt cá trên sông, vớt củi, đãi cát sỏi...
Làng chài xã Đặng Sơn (Đô Lương)
68 hộ làng chài trên sông Lam của xã Đặng Sơn (Đô Lương) thuộc diện nghèo đói, thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão. Tỷ lệ lao động không có việc làm cao, thời gian lao động trong ngày ít, bởi phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Con em trong độ tuổi đi học không được đến trường, có khoảng 90% em chỉ học hết tiểu học, số học sinh cấp phổ thông cơ sở chỉ chiếm khoảng 10%. Từ trước tới nay, bà con làng chài chịu nhiều thiệt thòi do ít được hưởng thụ chính sách đầu tư của Nhà nước. Công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ít được chú trọng nên hầu hết các gia đình ở làng chài đều đông con.
Trước thực trạng đó, năm 2010, huyện Đô Lương đã quy hoạch tại vùng Cây Sang (Đặng Sơn) khu định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ra khỏi vùng thiên tai lũ lụt, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Mỗi hộ được cấp đất ở bình quân 150m2, có 1 giếng nước cùng với việc được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ tiền làm nhà. Đến nay, huyện Đô Lương đã hoàn tất cơ sở hạ tầng, giao thông, điện thắp sáng, xây dựng nhà văn hóa. Theo kế hoạch, cuối tháng 8/2012, có 45 hộ dân vạn chài sẽ lên bờ. Tuy nhiên, hiện tại, nguồn hỗ trợ tiền làm nhà chỉ đáp ứng được cho 20 hộ, 25 hộ còn lại sẽ phải chờ…
Theo ông Nguyễn Bá Châu – Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn, Dự án tái định cư làng chài xã Đặng Sơn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Đưa được dân lên bờ đã khó, giữ dân ở lại còn khó hơn, bởi người dân còn phải đối diện với thực tế là không có nghề nghiệp ổn định, không quen với phong tục, tập quán và không có ruộng. Theo ông, về lâu dài, huyện phải tính toán lại quỹ đất giao cho họ sản xuất, chuyển đổi nghề cho họ thì mới bền vững. Trước mắt, phải xác định, mặc dù định cư trên đất liền nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì nghề nghiệp cũ. Ngoài ra, tùy khả năng vốn, lao động, các hộ sẽ phát triển thêm nghề phụ như duy trì nghề thủ công truyền thống là ươm tơ kéo sợi, mây tre đan xuất khẩu, nghề mộc, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với tỉnh, huyện cần thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đối với các hộ làng chài. Đối với các hộ đánh bắt cá, khai thác thủy sản được trang bị phương tiện đánh bắt đầy đủ, đảm bảo chất lượng và được phân vùng đánh bắt hợp lý. Đối với hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng, các hộ làng chài cần được trợ giá, trợ cước vận chuyển cá giống, vay vốn phát triển nghề qua ngân hàng chính sách xã hội, ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất tiền vay khi họ có nhu cầu nuôi cá lồng trên sông. Đối với các hộ làm nghề phụ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, cần mở lớp đào tạo học nghề, đồng thời hỗ trợ giá thành sản phẩm xuất khẩu để tăng thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Khuyến khích cư dân vạn chài thành lập các nhóm hộ làm nghề ươm tơ kéo sợi, mây tre đan, mộc dân dụng, gia công chế biến các mặt hàng nông, lâm, ngư nghiệp và mở rộng các quầy dịch vụ, buôn bán nhỏ để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài!