Tin tức giả mạo không chỉ là những tác phẩm kém chất lượng, mà còn truyền bá những thông tin sai lệch mà độc giả thường chỉ xem xét ở bề nổi.

Một số biên tập viên tin rằng trách nhiệm vạch trần những tin tức giả mạo là của các tòa soạn, bởi chúng đe dọa niềm tin của độc giả với truyền thông khi không có ai đứng ra thách thức chúng.

Câu hỏi về việc phải làm gì với tin tức giả và thông tin sai lệch vẫn đang khiến nhiều biên tập viên trên thế giới phải đau đầu.

Đó là lý do tại sao First Draft News đã khởi động một mạng lưới đối tác trong tuần này để kết nối các tòa soạn và các mạng xã hội nhằm giải quyết các vấn đề về niềm tin và sự thật trong báo chí.

First Draft News là sản phẩm của một liên minh cam kết nâng cao các tiêu chuẩn báo chí điện tử, tập trung vào xác minh thông tin ngay tại hiện trường và vạch trần những câu chuyện tin tức giả mạo.

images1688333_1.5.jpgTin tức giả mạo từ The Leader Boston. (Nguồn: wan-ifra.org)

Sáng kiến kể trên có sự tham gia của cả Twitter​, Facebook và các tòa soạn trên khắp thế giới. Thông qua sự hợp tác này, họ hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho các quá trình xác minh, truyền thông trực tiếp, tính chính xác tin tức trong lĩnh vực truyền thông xã hội, và niềm tin vào các phương tiện truyền thông.

Tin tức giả thu hút rất nhiều sự chú ý

Các trang tin tức giả và các tài khoản mạng xã hội khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi rất nhiều trang tin tức giả có giao diện rất giống những trang tin điện tử truyền thống.

Alastair Reid, ​thư ký tòa soạn của First Draft News chia sẻ với Diễn đàn Biên tập viên Thế giới rằng các câu chuyện tin tức giả mạo có thể có tầm ảnh hưởng rất lớn, bởi nhiều người đang cập nhật tin tức từ các mạng xã hội.

Nếu tin tức giả hiện trên dòng thời gian bên cạnh một bản tin từ ​trang Washington Post chẳng hạn, mọi người có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt.

Craig Silverman, biên tập viên của BuzzFeed Canada, đã phân tích 2 nghiên cứu về vấn đề này với kết luận là mất tới hơn 12 giờ, một tin tức giả mới được vạch trần trên mạng.

Năm 2015, Silverman đã đăng một bài viết cho Trung tâm Báo chí Điện tử Tow Center có tên "Những lời dối trá trắng trợn và nội dung có sức lây lan: Cách các trang tin lan truyền (và vạch trần) những lời đồn trên mạng, những khẳng định chưa được kiểm chứng, và thông tin sai lệch."

Trong bài viết này, Silverman đã chỉ ra 10 bản tin vạch mặt tin tức giả về một nghệ sĩ ở Anh năm 2014. Tổng cộng số lượt chia sẻ 10 bản tin vạch trần này đạt 60​.953 lượt, nhưng riêng tin giả đã có tới 60.402 lượt chia sẻ.

Silverman trích dẫn một ví dụ khác từ năm 2014, khi trang Huzlers.com đăng một câu chuyện giả mạo khẳng định Trái Đất sẽ chìm trong bóng tối trong 6 ngày liên tiếp. Bản tin giả này đã thu hút tới hơn 840.000 lượt chia sẻ và tương tác trên mạng xã hội, trong khi số lượt chia sẻ từ 7 bản tin vạch trần cộng lại chỉ đạt khoảng 127.000 lượt trên cùng mạng xã hội.

"Những tin tức giả ngày càng mang tính dễ lan truyền hơn, và vì thế có thể có sức ảnh hưởng lớn," Silverman viết.

Thứ Ba tuần trước, một câu chuyện tin tức giả về một vườn thú ở Trung Quốc đặt tên cho một chú khỉ đột là "Harambe McHarambeface" theo một cuộc bình chọn đã thu hút một lượng độc giả lớn. Mặc dù câu chuyện đã gây ồn ào trên mạng xã hội, nhưng thực tế không có cuộc bình chọn nào, cũng chẳng có chú khỉ đột nào được đặt tên như vậy.

BuzzFeed và Huffington Post của Anh đã vạch trần những câu chuyện tin tức giả mạo bằng cách chỉ ra rằng The Leader Boston, trang tin đã đăng bản tin này không phải là một nguồn đáng tin cậy. The Leader Boston không có tài khoản mạng xã hội, và các trang đích của nó cũng chỉ toàn báo lỗi.

BuzzFeed cũng cho biết dòng khẩu hiệu của trang web này khoe khoang rằng sẽ "Mang lại những tin tức hay nhất của Boston từ năm 1932," trong khi tên miền lại mới chỉ được đăng ký chưa đầy một tuần trước.

Các trang tin tức giả hoạt động như thế nào?

Một trong những chiến thuật mà các trang tin tức giả mạo sử dụng là bắt chước hoặc trích dẫn sai lệch từ các trang tin truyền thông lớn và có tên tuổi.

Lấy ví dụ về trang tin giả The Guard1an: một người bình thường kéo chuột trên trang tin tức sẽ dễ bị lừa bởi một dòng tít hồi tháng 8 như sau: "Usain Bolt tặng toàn bộ 20 triệu USD tiền thưởng Olympic cho trường cũ." Một số người có thể nghĩ đó là sự thật bởi trang web này có tên khá giống tên của tờ báo thật là The Guardian, và từ đó chia sẻ tin này với bạn bè của mình, làm tin tức giả này cứ thế lan truyền.

Nhiều trang web tin tức giả mạo không đưa ra phần phủ nhận trách nhiệm vì bản chất giả của mình, nhưng The Guard1an thì gọi mình là một trang tin "giễu nhại" và "châm biếm" tập trung chủ yếu vào tin tức giả. "Tất cả các mục hay những câu chuyện trên trang web này đều là hư cấu," trang web này viết.

Nhưng theo định nghĩa, châm biếm và giễu nhại là dựa trên những sự kiện có thật xảy ra, với mục đích nêu ra một quan điểm chính trị theo cách hài hước, chứ không bắt nguồn từ sự sai lệch. Nó khác với The Onion, Borowitz Report của tờ New Yorker, hay những ấn phẩm khác khẳng định rõ ràng ý định châm biếm các sự kiện đang diễn ra.

Khi một lời nói dối xuất hiện, rất khó để bóc trần nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là biên tập viên không nên ngừng nỗ lực.

BuzzFeed Canada và First Draft News đều đưa ra những bảng câu hỏi phân biệt thật giả, cho phép người đọc thử phân biệt một dòng tít hay bức ảnh là tin tức thật hay giả mạo.

"Đa phần, khi vạch trần một câu chuyện tin tức giả, chuyện đó sẽ in sâu vào tâm trí mọi người hơn là những chuyện buồn cười." Reid cho biết./.

Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN