Tên lửa LRASM do Lockheed Martin chế tạo có thể nhận dữ liệu từ nhiều nguồn, thay đổi đường bay để tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 370 km.

image_6570198.jpgQuả đạn LRASM khóa mục tiêu vào tàu tuần dương lớp Slava. Ảnh: Lockheed Martin

Hãng chế tạo vũ khí Lockheed Martin vừa tung ra video quảng cáo tính năng đặc biệt của AGM-158C LRASM, mẫu tên lửa hành trình chống hạm tàng hình được phát triển cho Hải quân Mỹ, dự kiến biên chế vào năm 2019, theo Livejournal.

LRASM là viết tắt của Long Range Anti-Ship Missile (Tên lửa chống hạm tầm xa). Dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. Các loại vũ khí chống hạm đã bị Mỹ bỏ quên từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.

Trong video, lực lượng quân sự Mỹ được gọi là "Quân xanh", trong khi nhóm tàu chiến của đối phương được gọi là "Quân đỏ". Khi vệ tinh do thám phát hiện vị trí của "Quân đỏ" trên biển, nó liền gửi tín hiệu tọa độ về cho các tàu chiến và máy bay Mỹ.

Các tàu chiến, máy bay này xử lý thông tin và khai hỏa tên lửa LRASM. Tên lửa này được trang bị đầu dò radio đa chức năng, đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết LRAMS có tầm bắn trên 370 km, trong khi các chuyên gia ước tính con số này có thể đạt 560 km.

Khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ bay theo lộ trình được vạch sẵn. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, từ đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua khu vực này.

Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa của liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên mục tiêu để gia tăng khả năng sống sót của nó.

Đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 450 kg của LRASM đủ sức tiêu diệt nhiều loại tàu chiến khác nhau. Trong video trên, chỉ cần hai quả đạn để phá hủy một tàu tuần dương hạng nặng tương tự tàu lớp Slava, hay một quả tên lửa để tiêu diệt tàu khu trục giống như lớp Sovremenny của Nga.

Tuy nhiên, trong thực tế, cần rất nhiều quả đạn LRASM để tiêu diệt một biên đội tàu chiến kiểu này của Nga. Tên lửa sẽ phải vượt qua các hệ thống tác chiến điện tử, phòng không tầm xa, tầm trung và tầm gần trên tàu chiến, thay vì chỉ có một số pháo tầm gần AK-630M như trong video.

Ngoài ra, LRASM sẽ phải vượt qua lá chắn cuối cùng là hệ thống mồi bẫy của tàu chiến. Điều này có thể khiến hiệu quả chiến đấu của nó giảm đi rõ rệt, Livejournal kết luận.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN