Được hạ thủy vào cuối năm 1996 và biên chế từ năm 1998, tàu sân bay Harry S. Truman của Hải quân Mỹ có chiều dài hơn 330 m với sức chứa 90 máy bay, chở 3.200 thủy thủ và 2.480 nhân sự phục vụ đội bay. Harry S. Truman hiện neo đậu tại căn cứ hải quân Norfolk ở bang Virginia và tham gia chiến dịch không kích chống IS từ năm 2015. Các máy bay xuất kích từ tàu sân bay này đã thả hơn 1.118 quả bom nhằm vào các mục tiêu IS, vượt kỷ lục trước đó của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
HTMS Chakri Naruebet là tàu sân bay duy nhất của Thái Lan và là “át chủ bài” của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Chakri Naruebet ban đầu được đóng ở Tây Ban Nha vào năm 1994 và hạ thủy năm 1996. Tàu có chiều dài hơn 180m, chở 393 thủy thủ, 62 sĩ quan, 146 phi công và các nhân viên phục vụ đội bay. Chakri Naruebet từng được triển khai tham gia một số chiến dịch cứu trợ thảm họa, song dành phần lớn thời gian để neo đậu. Ngoài tham gia một ngày huấn luyện mỗi tháng, Chakri Naruebet được sử dụng để phục vụ cho hoạt động đi lại của Hoàng gia Thái Lan. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Được đặt theo tên của cựu Thượng nghị sĩ Mississippi John Stennis, tàu sân bay USS John C. Stennis có chiều dài hơn 332m, chở 90 máy bay, 3.200 thủy thủ và 2.480 nhân sự phục vụ đội bay. USS John C. Stennis bắt đầu được biên chế từ năm 1995 và cảng quê nhà của tàu này ở căn cứ hải quân Kitsap tại Washington. USS John C. Stennis từng tham gia cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ và được triển khai trong chiến dịch săn tìm cướp biển trên vịnh Persian. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Được biên chế từ năm 1992, tàu sân bay USS George Washington của Mỹ hiện đồn trú tại Yokosuka, Nhật Bản. Tàu có chiều dài hơn 332m, chở 90 máy bay cùng 3.200 thủy thủ. USS George Washington từng được triển khai tới vịnh Persian vào năm 2000 và hoạt động tại cảng New York sau vụ khủng bố 11/9/2001 để bảo vệ không phận Mỹ. Ngoài cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, tàu USS George Washington cũng tham gia cứu trợ thảm họa tại Philippines sau trận bão năm 2013 và giúp đỡ Haiti sau trận bão năm 2016. (Ảnh: USN)
Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất và đóng vai trò trọng tâm trong lực lượng Hải quân Nga. Được hạ thủy từ năm 1985, song phải tới năm 1995 sau khi Liên Xô sụp đổ, Đô đốc Kuznetsov mới bắt đầu hoạt động đầy đủ. Tàu có chiều dài khoảng 300m, chở 41-53 máy bay, trong đó có các máy bay chiến đấu Su-33, MiG-29K và Ka-27, cùng 1.960 thủy thủ và 626 nhân sự phục vụ đội bay. Kuznetsov là tàu sân bay đầu tiên của Nga tham gia hỗ trợ tác chiến trong chiến dịch tại bờ biển Địa Trung Hải của Syria năm 2016 với 420 chiến dịch và tấn công 1.252 mục tiêu. Đô đốc Kuznetsov đã cho thấy dấu hiệu “tuổi tác” khi từng để mất 2 máy bay do cáp hãm đà bị hỏng khiến máy bay không thể hạ cánh an toàn trên tàu sân bay này. (Ảnh: Reuters)
Với chiều dài hơn 332m, chở 90 máy bay, 3.200 thủy thủ và 2.480 nhân sự phục vụ đội bay, tàu sân bay USS Abraham Lincoln được biên chế từ năm 1989 và hiện neo đậu tại căn cứ không quân Everett tại Washington. Là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ được biên chế các nữ phi công lái máy bay chiến đấu, USS Abraham Lincoln từng tham gia cứu trợ cho binh sĩ Mỹ tại đảo Luzon của Philippines sau khi núi lửa Pinatubo phun trào, các hoạt động tuần tra tại Somalia và giúp Nhật Bản sau thảm họa sóng thần. Sau cuộc đại tu và tiếp liệu kéo dài 4 năm, tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã được đưa vào hoạt động trở lại hồi năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Với kích cỡ tương đương USS Abraham Lincoln và USS George Washington, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện đồn trú tại căn cứ hải quân Norfolk tại Virginia. Các máy bay trên tàu sân bay này đã xuất kích 4.200 lần trong chiến dịch Bão táp Sa mạc và thả hơn 2 tấn vũ khí sau khi được biên chế từ năm 1986. USS Theodore Roosevelt cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS khi xuất kích hơn 1.800 lượt máy bay chiến đấu, thả hơn 1.085 vũ khí tiêu diệt IS. Tàu sân bay này cũng được triển khai tới biển Ả rập để ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Là tàu sân bay đầu tiên của Italy, Giuseppe Garibaldi được biên chế từ năm 1985, có chiều dài 180m, chở 630 thủy thủ và 100 nhân sự điều hành các máy bay. Giuseppe Garibaldi từng tham gia các hoạt động tác chiến ở ngoài khơi Kosovo, Afghanistan và Libya. Các máy bay chiến đấu Harrier đã xuất kích hơn 30 lượt từ tàu sân bay này tới vùng Balkan vào năm 1999 và tham gia 288 chiến dịch trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh Afghanistan. Trong chiến dịch Libya của NATO, các máy bay từ Giuseppe Garibaldi đã thả 160 quả bom dẫn đường trong 1.221 giờ bay. (Ảnh: AP)
Neo đậu tại căn cứ hải quân North Island ở San Diego, bang California, tàu sân bay USS Carl Vinson được đặt theo tên của nghị sĩ bang Georgia và có kích cỡ tương đương các tàu sân bay khác của Mỹ như USS Abraham Lincoln, USS George Washington hay USS Theodore Roosevelt. USS Carl Vinson cũng là con tàu được dùng để thủy táng thi thể trùm khủng bố Osama Bin Laden. Năm 2014, Mỹ từng triển khai tàu sân bay này tới vịnh Persian để hỗ trợ cuộc chiến chống IS. Các máy bay từ USS Carl Vinson đã xuất kích 12.300 lượt, thả hơn 230 tấn vũ khí vào các mục tiêu IS. (Ảnh: Hài quân Mỹ)
Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower có chiều dài hơn 332m, chở 90 máy bay, 3.200 thủy thủ và 2.480 nhân sự phục vụ đội bay. Được biên chế từ năm 1977, USS Dwight D. Eisenhower từng tham gia chiến dịch giải cứu các con tin Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin Iran và di chuyển từ kênh đào Suez qua biển Đỏ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Tàu sân bay này cũng xuất kích các máy bay chống IS, thả gần 1.100 quả bom vào các mục tiêu IS tại Iraq và Syria. USS Dwight D. Eisenhower đang neo đậu tại căn cứ Nortfolk ở Virginia. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Được đặt theo tên của chỉ huy Chester Nimitz - người dẫn đầu Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, USS Nimitz là tàu sân bay lớp Nimitz đầu tiên và từng tham gia nhiều chiến dịch của Hải quân Mỹ. USS Nimitz lần đầu được triển khai tới Ấn Độ Dương trong cuộc khủng hoảng con tin Iran, từng hỗ trợ an ninh tại Thế vận hội Seoul năm 1988 và hoạt động tại vịnh Persian sau chiến dịch Bão táp Sa mạc. Tàu sân bay này cũng từng tham gia các cuộc tập trận gần bán đảo Triều Tiên với các tàu của Hàn Quốc. Cảng quê nhà của USS Nimitz ở căn cứ hải quân Everett tại Washington. (Ảnh: Hải quân Mỹ).