Hình ảnh được công bố cho thấy, chiếc Su-30MK2 của Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân ngoài việc được trang bị tên lửa không đối không R-27 còn có pod tác chiến điện tử ở 2 đầu mút cánh trực sẵn sàng chiến đấu.
Khí tài có hình dạng một quả ngư lôi nhỏ gắn ở đầu cánh giúp máy bay đối phó với vũ khí tấn công của đối thủ.
Khi phải đương đầu với tên lửa, hệ thống L-203 Gardenia sẽ được kích hoạt và che chở máy bay thông qua hàng rào điện tử, nhằm ngăn chặn tên lửa và làm cho nó đi chệch hướng, tăng khả năng sống sót của chiến đấu cơ được trang bị.
Mới đây nhất, Nga đã chính thức "trình làng" thiết bị gây nhiễu điện tử thế hệ mới có tên gọi L-265M10 Khibiny-M để trang bị cho tiêm kích Su-27SM3 và Su-35S, khiến chúng chiếm giữ ưu thế đáng kể trước biến thể Flanker bán ra nước ngoài.
Câu hỏi các chuyên gia đặt ra lúc này là liệu trong tương lai khi Việt Nam mua Su-35S thì Nga có đồng ý bán pod L-265M10 Khibiny-M cho chúng ta hay không?
Khả năng này theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì hoàn toàn khả thi do quan hệ hợp tác giữa hai nước là rất tốt đẹp, tuy nhiên nó sẽ bị cắt giảm chút ít tính năng cho phù hợp với phiên bản xuất khẩu.
Bên cạnh việc tích hợp cho Su-35S, L-265M10 Khibiny-M còn có thể được trưng dụng cho các thế hệ tiêm kích cũ hơn như Su-27SK/UBK hay Su-30MK2.
Còn nếu Việt Nam không muốn mua bản cắt giảm tính năng của Khibiny-M, chúng ta còn một lựa chọn khác là Ukraine khi mới đây nước này đã cho ra mắt thiết bị đối kháng điện tử có tên gọi Omut với các tính năng tương tự.
Theo nhận định của Tạp chí The Aviationist, nếu khách hàng "chi mạnh tay" thì rất có thể phía Kiev sẽ sẵn sàng bán luôn cả công nghệ sản xuất để giải quyết các khó khăn về tình hình tài chính hiện tại.