Sáng 20/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với một số địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì.

bna_toan_canh205416_2092021.jpgDự hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, đại diện các chủ đầu tư KCN, doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng

7 NHÓM VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Tính đến cuối tháng 8 năm 2021, cả nước có 291 khu công nghiệp, 44 khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao, 730 cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN) trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD, đóng góp vào NSNN khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp.

Thời gian qua, do tác động tiêu cực của đại dịch Coivid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch.

Từ thời điểm bùng phát dịch Covid -19 từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đã cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại các khu, cụm này.

Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Frescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

Đặc biệt, ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP trong đó đã bao gồm các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời, mang tính tổng thể, bao quát để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp, địa phương kiến nghị xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước. Phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc-xin cho toàn bộ người lao động để có cơ sở duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới. Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành và bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi, tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong chịu ảnh hưởng. Rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài…

 PHỐI HỢP CHẶT CHẼ ĐỂ SỚM PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong KCN, KKT, CCN là vấn đề quan trọng và bức thiết trong thời điểm này. Quan điểm của Chính phủ là vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân.

"Đây là vấn đề rộng, khó, nhất là trong điều kiện dịch đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của doanh nghiệp, địa phương cho tới các cơ quan Trung ương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ, phải xác định trung tâm đầu mối để phục hồi là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, địa bàn để chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất. Khi có F0 thì không để ổ dịch phát sinh rộng trong doanh nghiệp, KCN. Tránh tình trạng khi phát hiện F0 trong 1 xưởng thì dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đầu mối trung tâm xử lý các vấn đề này là các địa phương. Các địa phương phải nhanh chóng gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất; hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất; thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp để hướng dẫn thông qua phương án sản xuất, phương án phòng, chống dịch và giải quyết các vấn đề liên quan cho doanh nghiệp.

Khẳng định tinh thần, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp, các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Y tế nhanh chóng tham mưu Ban chỉ đạo ưu tiên phân bổ vắc-xin vào các khu sản xuất công nghiệp với tinh thần sớm nhất, nhanh nhất, hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên phẩn bổ vắc-xin cho các khu công nghiệp. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Bộ GTVT phải đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia nhập cảnh vào để hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo hướng đổi mới quy trình nhanh, gọn. Các bộ, ngành liên quan tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa nhất trong việc thông quan hàng hóa, từng bước phục hồi lại các hoạt động dịch vụ.../.