(Baonghean.vn) - Vụ nổ kinh hoàng tại công trình thủy điện ở Lào đã vĩnh viễn khép lại ước mơ của những công nhân tử nạn và gieo vào lòng người thân những nỗi đau chất chứa, tột cùng.

 » Nổ lớn ở nhà máy thủy điện Lào, 6 người Việt tử vong

 » Cuộc gọi cuối cùng của nam công nhân tử vong vì nổ lớn tại Lào

Đêm 28/7, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả công trường  thủy điện Nậm Nghiệp 1, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (CHDCND Lào). Vụ nổ bình oxy này đã cướp đi sinh mạng của 6 người Việt, trong đó có 5 người Nghệ An, riêng huyện thanh Chương có 3 người.

Những tưởng đi làm để kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình và thực hiện những ước mơ giản dị đã hứa với người thân, nhưng tiếc thay, họ đã không còn cơ hội. Trở về quê hương trong những cỗ quan tài bằng gỗ ép, những vùng quê nghèo lại thêm không khí tang tóc, đau buồn.

1501398475750.jpgÔng Nguyễn Văn Bắc - bố nạn nhân Nguyễn Văn Phương ngã quỵ khi đón thi thể con về. Ảnh: Huy Thư

Có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Bắc - bố của nạn nhân Nguyễn Văn Phương (SN 1991) ở xóm 8, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) khi chiếc xe ô tô chở thi thể em từ Lào về đến cổng nhà, mọi người chạy ra ôm giữ lấy quan tài trong tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng kêu van khôn xiết.

Tốt nghiệp THPT, Phương đi học cơ khí ở trường Việt - Hàn, rồi đi làm ở Lào đã mấy năm. Cách nay hơn tháng, em có về thăm nhà và nói với bố mẹ là “Con đi lần này, khoảng tháng 9 con về để học lái xe, rồi Tết sẽ về cưới vợ”.

Được biết, cả 3 bố con ông Bắc đều từng có thời gian đi làm ở Lào. Thời gian gần đây, em trai Phương đã về trước để đi xuất khẩu lao động. Ông Bắc cũng vừa về quê để tiễn con đi Nhật, chưa kịp vui vì sau bao lo toan, con trai mới “bay” được, nào ngờ tai họa lại ập đến.

Bà Nguyễn Thị Thuận - mự ruột Phương đau xót cho biết: “Tôi thấy thương thằng cháu đến vô cùng, nó hiền lành, ngoan ngoãn, sống hòa đồng với mọi người. Lúc 21h đêm 28/7, nó còn gọi điện về cho mẹ, hỏi thăm sức khỏe gia đình và bảo mẹ ghi mật khẩu thẻ ATM để rút tiền mà trả nợ.

Mẹ Phương nói: "Bựa khác cũng được” nhưng Phương vẫn giục “mẹ cứ ghi đi”. Ai ngờ hơn 1 tiếng đồng đồ sau thì chồng tôi từ bên Lào gọi điện về nói thằng Phương gặp nạn rồi”.

Với nạn nhân Hà Cao Kỳ (SN 1993) ở xóm Trường Long, xã Thanh Tùng (Thanh Chương), là con thứ 3 trong gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em, 2 chị gái đã lấy chồng. Học xong THCS, Kỳ đã phải rời quê đi làm kiếm sống. Những năm qua em đã lăn lộn ở nhiều nơi từ Nam ra Bắc và sang Lào làm việc được 2 năm. Mong ước xây dựng, sửa sang lại ngôi nhà cũ của Kỳ chỉ mới thực hiện được một phần thì em gặp nạn.

Vợ chồng ông Hà Văn Tân ở xóm Trường Long, xã Thanh Tùng (Thanh Chương) đau xót khi biết tin con trai tử nạn. Ảnh: Huy Thư

Các chị lấy chồng xa, 2 anh em đi làm, bố mẹ Kỳ phải ở nhà tự xoay xở trong chật vật. Bà Hoàng Thị Thao (53 tuổi) bị bệnh khớp, đau yếu thường xuyên, không làm được việc nặng. Nghe tin con mất, bà như hoảng loạn, suốt ngày vật vã trên giường.

Ông Hà Văn Tân (55 tuổi) - bố Kỳ, nói trong nước mắt lưng tròng: “Hắn thì ít gọi điện về nhưng thương cha mẹ lắm, đi làm khi mô cũng dành dụm để gửi tiền về sửa nhà. Cái sân, cái giường… đã hư hỏng, xuống cấp cũng đang chờ hắn, nhưng dừ thì không thể nữa”.

Ông Hà Văn Tài - chú ruột của Kỳ kể: “Tháng 5 vừa rồi Kỳ về nhà gặt lúa làm mùa giúp gia đình. Trước lúc đi, cháu nói là “Đi lần ni nữa rồi về luôn, chứ không muốn đi xa, làm gần nhà ít tiền cũng được”. Ai ngờ nửa đêm nghe người thân gọi điện nói về thằng Kỳ đã mất, đau xót quá”.

Trong 3 người Thanh Chương tử nạn ở Lào lần này, chỉ Nguyễn Văn Sáng (SN 1989) ở xóm 4, xã Thanh Khê đã lập gia đình. Sáng là con út trong nhà có 6 anh chị em, bố là thương binh đã mất từ năm 2005. Những năm qua, gia đình Sáng sinh hoạt trong ngôi nhà cũ chật hẹp, nên trăn trở lớn nhất suốt thời gian đi làm của Sáng là xây dựng được một ngôi nhà mới, trả được nợ nần, rồi về sống bên vợ con, chứ không đi làm xa nữa. Tuy nhiên khi ngôi nhà mơ ước xây xong, chưa kịp trả nợ thì Sáng đã ra đi mãi không về.

Vợ và con trai nạn nhân Trần Văn Sáng ở xóm 4, xã Thanh Khê (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Nghe tin con gặp nạn, bà Phan Thị Tam - mẹ Sáng kêu khóc thảm thiết, chị Phan Thị Hòa - vợ Sáng đang mang bầu đứa thứ 2 sắp sinh, ngất lên ngất xuống mấy lần, cháu Trần Tuấn Kiệt (4 tuổi) - con Sáng ngơ ngác hỏi: “Bố có về nữa không mẹ”.

Chị Hòa nói trong nước mắt nghẹn ngào: “Chiều nào anh ấy cũng gọi điện về nói chuyện với vợ con, dặn con ở nhà chơi ngoan bố sẽ về đưa con đi học. Anh dự định sẽ về dịp vợ sinh và đặt tên con. Lúc 20h đêm 28/7, anh ấy cũng nhắn tin báo là đang đi nhận cơm, ăn tối xong để đi làm, không ngờ đó là tin nhắn cuối cùng của anh ấy…”

Với những nạn nhân khác như Gìa Bá Lầu ở xã Lượng Xá (Tương Dương) hay Và Xái Cồ ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) cũng có những ước mơ bình dị. Đó có thể là chuyện lập gia đình, đặt tên con, xây một căn nhà mới, được sống yên ấm ở quê hương... Nhưng tiếc thay, tiếng nổ ở công trình thủy điện Lào đã vĩnh viễn khép lại tất cả những ước mơ của họ. Phía sau những chuyến xe tang, tiễn đưa những người con xấu số, là nỗi lòng day dứt của người ở lại./.

                                                                Huy Thư

TIN LIÊN QUAN