(Baonghean) - Mùa mưa bão cũng là thời điểm các huyện miền núi thường xảy ra tình trạng sạt lở, ngập úng chia cắt đường giao thông. 
 
images1028099_4a.jpgSạt lở gây ách tắc giao thông ở xã Tây Sơn - Kỳ Sơn.
 
Riêng tại huyện Con Cuông, mới đầu mùa mưa đã xảy ra nhiều vị trí sạt lở. Đó là tuyến đường vào bản Trung Chính đi Thác Kèm (xã Yên Khê) tuyến đường vào 4 xã Lục Dạ, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Cam Lâm bị chia cắt, gây ách tắc giao thông. Dọc QL 7 lên huyện Tương Dương có gần 10 điểm có nguy cơ sạt lở núi, gây cô lập giao thông. Bên cạnh đó, Tương Dương còn nhiều tuyến đường khác từ UBND các xã vào bản, làng mùa mưa thường bị sạt lở như tuyến bản Chon - bản Phẩy - bản Đình Tài, xã Xiêng My; tuyến Bãi Xa – Tùng Hương, xã Tam Quang, một số đoạn thường bị ngập úng cản trở giao thông, tuyến Xốp Nặm – bản Phồng, xã Tam Hợp, tuyến Trung Thắng – bản Tạt, xã Yên Thắng… Còn tại Kỳ Sơn, theo thống kê, trên địa bàn có gần 100 điểm sạt lở núi lớn nhỏ, nằm ven QL 7 bao gồm các điểm sạt lở ở Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Tà Cạ… Đặc biệt, nhiều xã bị sạt lở núi nặng như 2 xã Mường Típ, Mường Ải, trong mùa mưa bão năm 2013, xảy ra hơn 10 điểm sạt lở núi với khối lượng đất, đá lớn, mỗi điểm sạt lở, đất đá trôi xuống đường khoảng từ 5.000 - 7.000m3, gây cô lập các bản, làng trong nhiều ngày.
 
Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, vừa qua UBND huyện Con Cuông đã tổ chức lực lượng, chủ yếu dùng máy xúc do UBND tỉnh cấp để tập trung duy tu, bảo dưỡng các tuyến thường xuyên bị sạt lở và ngập úng. Đó là, duy tu, sửa chữa xong tuyến vào trung tâm xã Thạch Ngàn, tuyến Cam Lâm. Đối với tuyến Bồng Khê đi Bình Chuẩn được khởi công từ những năm 2006, gia hạn đến 3 lần, đến nay, đã thi công xong đoạn ở xã Bồng Khê, Mậu Đức. UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị nhanh chóng thi công xong phần cầu trước mùa mưa lũ và yêu cầu các đơn vị thi công san, gạt các điểm lầy thụt, đảm bảo thông đường cho nhân dân trong mùa mưa lũ. Tại tuyến này, nhiều bản ở Đôn Phục còn tự huy động sức dân san lấp “ổ trâu”, ổ gà, sạt lở nhỏ để lưu thông. Ông Lương Văn Mai -Trưởng bản Xiềng - xã Đôn Phục cho hay: Bản có trên 100 hộ dân, trước mùa mưa, chúng tôi huy động được trên 100 lao động duy tu, sửa chữa cơ bản các đoạn đường hư hỏng. Tại bản Hồng Điện, khe suối nhiều, ban quản lý bản đã phân công lực lượng xung kích của bản với trên 20 người thay phiên nhau túc trực cảnh giới khi mưa lũ chia cắt giao thông. 
 
Công ty TNHH –MTV quản lý và XDĐB 495 triển khai máy xúc hoạt động san gạt tại đoạn QL 7 đi qua xã Xá Lượng - Tương Dương.
 
Tại xã Yên Na (Tương Dương) có 3-4 điểm sạt lở núi. Nguy hiểm nhất là khu vực gần bến ở thượng lưu, khách qua lại lên thượng nguồn sông Nậm Nơn rất nhiều. Vì thế, xã Yên Na chỉ đạo phân công lực lượng Công an viên của xã phối hợp cùng với lực lượng xung kích của bản Vẽ, vào mùa mưa, túc trực cảnh giới 2 đầu, nghiêm cấm khách qua lại trong vùng sạt lở và yêu cầu UBND huyện hỗ trợ 1 máy xúc đặt tại đây để giải phóng ách tắc. 
 
Được biết, huyện đã triển khai 2 máy xúc lật, đang tích cực khắc phục các điểm sạt lở tồn dư của năm trước để lại, gồm các điểm sạt lở núi đường vào bản Liên Hương, Tùng Hương xã Tam Quang, khắc phục điểm sạt lở núi ở xã Lưỡng Minh và đường vào Nhà máy Thủy điện bản Vẽ. Đối với tuyến Yên Tĩnh đi Hữu Khuông trị giá trên 800 tỷ đồng, hiện nay, chỉ mới thi công được khoảng trên 60% khối lượng. Huyện đang yêu cầu nhà thầu gấp rút thi công các hạng mục ách yếu trước mùa mưa bão và san gạt các điểm bùn lầy đảm bảo cho người và các phương tiện lưu thông. 
 
Tại huyện Kỳ Sơn, ngay từ tháng 6/2014, huyện đã tập trung nguồn lực, trích ngân sách trên 5 tỷ đồng duy tu, sửa chữa được các tuyến bị sạt lở như tuyến Mường Típ đi Tà Cạ 8 km, tuyến Na Loi đi Keng Đu dài 8 km, tuyến vào trung tâm xã Đoọc Mạy dài 4 km. Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Tỉnh cấp 1 máy xúc, huyện đã cho đặt tại điểm sạt lở nhiều nhất tại Mường Típ, khi cần, có thể san, gạt cho cả xã Mường Ải. Đối với các tuyến khác như Nậm Càn đi Na Ngoi, Mường Xén đi Tây Sơn, huyện sẽ huy động máy móc của các đơn vị thi công để kịp thời ứng phó, giải tỏa đất sạt lở, đảm bảo lưu thông.
 
Từ đầu tháng 7/2014, trên QL 7 đi qua huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã xảy ra trên 20 điểm sạt lở núi. Theo ông Hà Sỹ Phúc - Trưởng phòng Quản lý giao thông - Công ty TNHH MTV Quản lý và XDĐB 495, để đảm bảo lưu thông tuyến QL 7, công ty đang tích cực huy động máy móc, san gạt các điểm sạt lở núi tại Km 156+900, km 147+900 ở Xá Lượng - Tương Dương, km 167+300 xã Lưu Kiền - Tương Dương, km 155+100, km 105+100 xã Tà Cạ - Kỳ Sơn. Đặc biệt, công ty đang kè 8 điểm sạt lở, cố gắng hoàn thành trước mùa mưa lũ tại km 147+900 xã Tam Thái - Tương Dương, km 186+100, km 188+200 Chiêu Lưu -Kỳ Sơn… Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến QL 7… trước khi mùa mưa lũ đến; tiến hành thông thoát lòng cầu, cống, khơi nước mặt đường, phát quang cửa thượng, hạ lưu cầu, cống để đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thoát nước. Tiến hành cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo ở những vị trí xung yếu, nguy hiểm để cảnh báo người tham gia giao thông. 
 
 
Văn Trường