(Baonghean) - Theo thống kê sơ bộ của Phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN) trên địa bàn tỉnh hiện nay có 37 sản phẩm mang danh tiếng xứ Nghệ; trong đó có 25 sản phẩm có tính đặc sản mà một số sản phẩm đã có “thương hiệu” trên thị trường và có tiềm năng thương mại lớn như: tương Nam Đàn, hương trầm Quỳ Châu, nước mắm Vạn Phần…
Các sản phẩm này gắn với điều kiện tự nhiên, ngành nghề truyền thống và mang đậm nét văn hóa của các vùng miền, nên có nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các đặc sản và sản phẩm truyền thống gần như không được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, do vậy đang kém cạnh tranh trên thị trường . Nhận thấy được vấn đề đó, mấy năm gần đây, Sở KH&CN đã định hướng ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH&CN để bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống, các đặc sản địa phương, từng bước đưa chúng trở thành sản phẩm hàng hóa. Đây là một hướng đi đúng đắn, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Trong số những đặc sản, sản phẩm truyền thống của Nghệ An thì cây ăn quả được biết đến với nhiều chủng loại nhất. Trên đối tượng này đã có rất nhiều đề tài, dự án KH&CN được triển khai thực hiện như: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống xoài Tương Dương; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi ghép phục tráng giống cam Xã Đoài; Hỗ trợ xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu cam Vinh; Xây dựng mô hình phục hồi giống cam bản địa tại xã Minh Thành, huyện Yên Thành; Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình cải tạo vườn chanh thoái hóa tại huyện Nam Đàn; Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống bưởi hồng Quang Tiến; Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương. Mục tiêu của các đề tài, dự án này là nhằm phân loại được các giống cây trồng, đánh giá được các đặc điểm sinh học đặc trưng (chủ yếu là hình thái và chất lượng sản phẩm); xây dựng các mô hình nhân giống, phục hồi và phát triển các sản phẩm truyền thống.
Bên cạnh đó, các loại cây nguyên liệu truyền thống cũng được quan tâm và trở thành đối tượng phục hồi, phát triển thông qua các dự án KH&CN: Hỗ trợ xây dựng mô hình nhân giống và trồng lùng nguyên liệu tại Quỳ Châu; Xây dựng vườn nhân giống rệp cánh kiến đỏ tại huyện Kỳ Sơn, huyện Quế Phong. Sản phẩm vật nuôi cũng được chú trọng (dự án: Ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển giống bò vàng địa phương (bò Mông) tại huyện Kỳ Sơn). Vấn đề phát triển hàng hóa, xây dựng thương hiệu được quan tâm thông qua các dự án: Hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến sứa thương phẩm ăn liền tại huyện Diễn Châu; Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức - Đô Lương; Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm Hải Giang - Cửa Lò với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm.
Kết quả ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản phẩm hàng hóa trên nền các sản phẩm truyền thống cho thấy: Tuy không phải đề tài, dự án nào cũng thành công và hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, nhưng các nghiên cứu đã phân loại, đánh giá được đặc điểm nổi trội, tính đặc hữu của các sản phẩm truyền thống, nên rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn nguồn gen quý. Trong điều kiện các nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa giải quyết được toàn diện vấn đề đặt ra, thì việc đề xuất được các giải pháp nhằm bảo vệ và khai thác bền vững để bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống là rất cần thiết.
Trao Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Vinh. Ảnh: Dương Vân
Các sản phẩm truyền thống được đầu tư có tính chiến lược (hương trầm Quỳ Châu, tương Nam Đàn, cam Vinh) từ khâu nhân giống mở rộng diện tích sản xuất, sản xuất thử theo quy trình công nghệ mới, đến xây dựng và phát triển thương hiệu đã mang lại hiệu quả to lớn về nhiều mặt, tạo được sự phát triển bền vững cho sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, một số sản phẩm truyền thống như: trám đen Thanh Chương, bò Mông Kỳ Sơn, cam Minh Thành, chanh Nam Đàn,... bước đầu được đầu tư, nghiên cứu cũng đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần phục hồi nâng cao năng suất, tạo sản lượng lớn với chất lượng cao để trở thành sản phẩm hàng hóa.
Những kết quả trên đây đã khẳng định ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản phẩm hàng hóa trên nền các sản phẩm truyền thống địa phương là định hướng ưu tiên quan trọng và cần thiết. Để kết hợp gìn giữ, bảo tồn nguồn gen và phát huy giá trị văn hóa với việc thương mại hóa các sản phẩm truyền thống, cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
- Cần tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá các đặc sản và sản phẩm truyền thống địa phương, để xác định hướng khai thác, phát triển. Nội dung điều tra không chỉ phân loại, xác định tính đặc hữu, giá trị nguồn gen, quy trình “công nghệ” truyền thống... cần bảo tồn như các giá trị khoa học và văn hóa, mà còn cần phải đánh giá về tiềm năng thương mại và khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa của sản phẩm. Trên cơ sở có giải pháp thích hợp cho từng sản phẩm.
- Cần lựa chọn chính xác, phù hợp khâu tác động về KHCN đối với sản phẩm. Đầu tư KHCN để phát triển các sản phẩm truyền thống là hết sức cần thiết. Nhưng KHCN tác động đến khâu nào trong chuỗi giá trị của sản phẩm là điều cần nghiên cứu một cách thấu đáo, để sự tác động đó đảm bảo hai mục tiêu: Bảo đảm, hoặc nâng cao chất lượng vốn có của đặc sản hoặc sản phẩm truyền thống, đồng thời mở rộng được sản xuất, tăng khối lượng sản phẩm. Trên thực tế, tùy từng sản phẩm mà có thể tác động vào các khâu như: nhân giống, quy trình nuôi, trồng (cây, con đặc sản); nguyên liệu, thiết bị, quy trình công nghệ, sản phẩm mới (chế biến); đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường… Có những sản phẩm phải đồng thời tác động đến tất cả các khâu, nhưng phần lớn chỉ cần tác động vào một vài khâu then chốt là có thể tạo nên sự thay đổi tích cực.
- Cần huy động và lồng ghép các nguồn lực cho việc phát triển các đặc sản và sản phẩm truyền thống. Trong đó, nguồn lực KH&CN chủ yếu để nghiên cứu cơ bản về sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm, chuyển giao các quy trình công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và xác lập nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Các nguồn lực khác cần huy động để mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, mở rộng thị trường…
- Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển các đặc sản và sản phẩm truyền thống địa phương, coi đây là một định hướng phát triển sản phẩm hàng hóa quan trọng, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản phẩm hàng hóa
Lê Văn Khánh (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An)