(Baonghean) - Phong trào Đông Du do chí sỹ Phan Bội Châu và các đồng chí của ông phát động chỉ tồn tại gần 5 năm (1905-1909); nhưng, ý chí cách mạng và tinh thần của phong trào đã trở thành khởi điểm có ý nghĩa lịch sử về quan hệ hợp tác - hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt- Nhật từ đầu thế kỷ XX.

Ngày 20/1/1905, Phan Bội Châu đã cùng hai nhân vật quan trọng của Hội Duy Tân (Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ) bí mật lên tàu thủy từ Hải Phòng vượt biển sang Quảng Châu, Hồng Kông, Thượng Hải để đến cảng Yokohama - Nhật Bản thực hiện ý tưởng nhờ “ngoại viện” tạo liên minh quốc tế để đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục Việt Nam độc lập, “xây dựng nước Việt Nam mới”.

Trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm “Việt Nam-100 năm phong trào Đông Du & hợp tác Nhật- Việt để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Huế” (NXB Chính trị quốc gia. HN-2009), trong đó có bài: “Phan Bội Châu và sự lựa chọn con đường Đông Du” của PGS.TS  Chương Thâu, Viện Sử học Việt Nam, có thể đúc kết 3 lý do cơ bản để nói rằng: phong trào Đông Du lại trở thành khởi điểm có ý nghĩa lịch sử về quan hệ hợp tác - hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nhật - Việt.

Một là: Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo phong trào đi tìm kiếm liên minh quốc tế, kết nối hữu nghị để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ  mọi mặt cho dân tộc Việt Nam đánh đuổi ngoại xâm. Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước của phong trào Đông Du đã làm được điều đó. Thể hiện rõ nhất là ngay sau khi đến Nhật Bản tìm “ngoại viện”, ông và các cộng sự đã móc nối, kết giao hợp tác với các nhà cách mạng của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Philippines, Indonesia trong tổ chức “Hội Đông Á đồng minh”. Tư tưởng liên hiệp đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á được hình thành và phát triển ở Việt Nam từ thời điểm Đông Du này.

Hai là: Từ phong trào Đông Du, Phan Bội Châu đã lôi cuốn được  sự đồng cảm và đoàn kết của nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Tuy Chính phủ Nhật Bản không công khai ủng hộ phong trào  Đông Du, nhưng trên thực tế những năm đầu các chính khách của họ vẫn ủng hộ việc tiếp nhận và đào tạo nguồn nhân lực cho Hội, nổi bật nhất là ông Inukai Okuma và các tướng quân FukuShima, Nani Wada, Nezu Hajine, Tsuneya Morikoto… Đặc biệt, nhiều nhân sĩ, trí thức tiến bộ và đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật đều có ý thức bảo vệ, cứu mạng và giúp đỡ nhiệt tình cho phong trào Đông Du nói chung và Phan Bội Châu nói riêng. Có nhiều câu chuyện cảm động về lòng hào hiệp, ân tình của những người dân Nhật đã nhường cơm sẻ áo, bố trí chỗ ở, quyên góp tiền của ủng hộ Phan Bội Châu và các cộng sự phong trào Đông Du trong thời gian ở Nhật, như bác sĩ Asaba Sakitaro, cụ Kashi Wabara Buntaro và ông Miga ZukitoTen.

Ba là: Phong trào  Đông Du của Phan Bội Châu và Hội Duy Tân đã làm  được một việc lớn, đầy ý nghĩa; đó là thông qua vai trò, uy tín của ông, một số chính khách có vị thế của Nhật Bản đã giúp đỡ đào tạo cho phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX một nguồn nhân lực trí thức hiểu biết về quân sự, khoa học kỹ thuật và biết cách tổ chức, quản lý xã hội. Trong số họ nhiều người đã trở thành cốt cán, những chiến sĩ cách mạng tận tụy với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, số đông họ đã hi sinh cho lý tưởng cao đẹp của mình.

Phong trào Đông Du đã đi theo năm tháng cách đây gần 110 năm, nhưng mãi mãi vẫn là mốc son lịch sử ghi lại dấu ấn về tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt- Nhật. Dấu ấn quan trọng đó hiện nay đang được Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng củng cố, vun đắp và nâng tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập, hợp tác quốc tế.


Ngô Xuân Phùng (Hội Hữu nghị Việt - Nhật Nghệ An)