(Baonghean) - Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, song do nhiều nguyên nhân, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Vẫn còn không ít đề tài, dự án không phù hợp với điều kiện thực tế, hoặc khi triển khai mô hình thì tốt nhưng khi nhân ra diện rộng thì không phù hợp…
 
Đề tài nuôi cá sủ đất là một trong những đề tài khoa học không thành công do thiếu  tính thực tiễn. Mô hình được nuôi thử nghiệm với diện tích 1ha tại xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) do Công ty TNHH 1 TV dịch vụ và công nghệ nuôi trồng thủy sản đảm nhiệm từ cuối năm 2009 đến năm 2012. Mô hình có tổng kinh phí đầu tư gần 1,213 tỷ đồng, trong đó vốn KHCN hơn 499 triệu đồng; vốn của Công ty và hộ dân hơn 644 triệu đồng. Nguồn cá giống  lấy từ Quảng Ninh về,  là đối tượng lần đầu tiên đưa vào nuôi thử nghiệm trên đất Nghệ An. Đặc tính của cá ít vận động, nguồn thức ăn là các loại cá tạp và thức ăn công nghiệp, đòi hỏi môi trường nuôi sạch sẽ, nước mặn, nuôi trên 1 năm mới có thu hoạch trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con. Anh Hoàng Văn Hợi - cán bộ kỹ thuật của dự án cho biết: Quá trình nuôi cá phát triển bình thường, tốc độ tăng trưởng phát triển phù hợp theo đặc điểm sinh học của cá, song tỷ lệ hao hụt lớn. Do đặc thù khí hậu Nghệ An có 2 mùa nóng - lạnh rõ rệt, mùa nóng gió Lào nhiệt độ cao, ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp. Đặc biệt, thời điểm giao mùa cá chết nhiều. Trời nóng và lạnh, cá không ăn kéo dài cả tuần. Dự án thất bại, không nhân rộng được”. 
image_2904785.jpgMô hình sản xuất rau trong nhà lưới ở xã Nghi Ân (TP. Vinh) chưa hiệu quả. Ảnh: Châu lan
Tương tự, Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm hàng hóa ở huyện Quế Phong" do Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ thực hiện cũng không thành công. Thời gian thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 5/2011 đến tháng 11/2013) tại thác Sao Va xã Tiền Phong (Quế Phong). Dự án này có tổng kinh phí 1,137 tỷ đồng, trong đó vốn KHCN gần 500 triệu đồng, vốn của Phân viện 596 triệu đồng, vốn hộ dân (liên doanh) hơn 113 triệu đồng. Nguồn cá giống được lấy từ các trung tâm chuyên cung cấp cá giống ở Sa Pa (Lào Cai). Ngày 2/7/2011, đợt cá giống đầu tiên với số lượng 562 con được vận chuyển về Quế Phong. Quá trình vận chuyển có 62 con cá tầm giống bị chết, dự án đã tiến hành thả 500 con vào 3 bể nuôi. Sau khi thả, cá có hiện tượng ăn ít và chết hàng loạt cả 500 con. Tiếp đó, ngày 28/7 đơn vị thực hiện dự án tiếp tục chuyển cá từ Sa Pa về nuôi, với số lượng 1.500 con. Nhưng sau 1 ngày có 197 con chết, nhân viên kỹ thuật dự án lấy mẫu nước gửi về Phân Viện để phân tích, kết quả cho thấy nước cấp cho khu nuôi cá ở thác Sao Va có nồng độ nước cứng cao bất thường, cùng với đó hàm lượng sắt tổng số cao hơn mức cho phép. Đây là hai chỉ tiêu phân tích mà sau khi khảo sát chất lượng nước để xác định địa điểm nuôi cũng như không đủ điều kiện làm tại thực địa. Dự án đã tiến hành 3 lần thả giống với số lượng giống 3.500 con. Tổng sản lượng thu hoạch của dự án 1.926 kg so với kế hoạch đề ra từ (4.500- 5.000 kg) là không đáp ứng được nhu cầu. Thực tế cho thấy ở Quế Phong có thể bắt đầu vụ nuôi cá tầm vào tháng 9, thời điểm nhiệt độ duy trì ở mức thấp hơn 220C và kéo dài đến hết tháng 6 năm sau. Ông Chu Chí Thiết - Phân viện trưởng Phân Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ cho biết: Nuôi cá tầm trên địa bàn Nghệ An là rất khó vì nó là giống cá nước lạnh, hơn nữa chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật nuôi tương đối khó, nếu không có sự hỗ trợ về vốn thì người dân khó đủ tiềm lực  làm. Cá được nuôi ở vùng sâu, vùng xa - nơi người dân đang khó khăn về mọi mặt, trong khi đầu ra chủ yếu phải đưa về thành phố tiêu thụ giá  cao, và phải đảm bảo cá còn sống mới có giá trị, khâu bảo quản để vận chuyển tiêu thụ cũng khó đối với người dân miền núi.
Mô hình trồng tỏi ở thị trấn Yên Thành Ảnh: Văn Trường
Mô hình trồng ngô ngọt vụ đông 5,5 ha tại xã Hoa Thành - Yên Thành năm 2011 do khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí 46 triệu đồng, gồm có 80 hộ dân tham gia cũng chỉ dừng lại ở “mô hình”. Bà con được hỗ trợ 50% giá giống, 30% giá  phân bón, cán bộ khuyến nông huyện trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô ngọt, có doanh nghiệp cam kết  mua sản phẩm. Theo dự tính ban đầu ngô đạt năng suất 700 kg/sào, bán với giá 3.000 đ/kg sẽ thu 2,1 triệu đồng. Tuy nhiên, mô hình này  không thành công như mong đợi. Ông Phan Xuân Bình ở xóm Phan Đình Phùng xã Hoa Thành, tham gia trồng 1 sào ngô ngọt cho biết: Sau khi thu hoạch năng suất đạt thấp 300 kg/sào, nguyên nhân là do ngô trổ cờ trong giai đoạn giá rét. Tính ra chỉ đạt 700.000 đồng/sào, trong khi gia đình phải đầu tư thêm phân bón các loại, thuốc BVTV, công chăm sóc, trừ chi phí còn lỗ 200.000 đồng/sào. 
 
Mô hình trồng tỏi 0,5 ha (năm 2011) ở Thị trấn Yên Thành cũng thất bại ngay từ vụ trồng đầu tiên. Ông Tôn Thanh Minh ở xóm 5 Thị trấn cho biết: Tham gia mô hình này chúng tôi cũng được hỗ trợ 50% giá giống, 30% giá phân bón. Theo như giới thiệu ban đầu, mô hình trồng tỏi đạt năng suất 220 kg/sào. Tuy nhiên đến vụ thu hoạch chỉ đạt chưa đầy 100 kg/sào, bán với giá 30.000 đ/kg, tính ra vừa hòa vốn. Sản phẩm tỏi sau thu hoạch có nhược điểm tỏi chín không đều, bị khô. Điều quan trọng là người dân phải tự đem tỏi đi các chợ bán lẻ. Ông Phan Doãn Tiến, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Thành chia sẻ: Đất trồng tỏi phải là đất thịt nhẹ, tơi xốp giàu mùn, dễ thoát nước, tuy nhiên chất đất của vùng trồng tỏi Thị trấn Yên Thành không có đủ điều kiện như thế. Ông Đặng Trọng Thư, Trưởng Trạm khuyến nông Yên Thành cho biết thêm: Từ năm 2011 đến nay huyện Yên Thành được tỉnh, huyện hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng trên 50 mô hình Khuyến nông - khuyến ngư. Có khá nhiều mô hình thành công nhưng việc nhân rộng sẽ không dễ dàng do đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn, chủ yếu người dân tự tiêu thụ. 
 
Tình trạng khó tiêu thụ sản phẩm cũng xảy ra ở dự án cá vược Diễn Vạn – Diễn Châu. Đầu tư lớn, cá ăn thức ăn tươi sống hàng ngày (cá biển tươi), chăm sóc vất vả. UBND huyện đã có quyết định hỗ trợ 50% tiền con giống với số tiền là 100 triệu đồng cho các hộ dân. Phòng Nông nghiệp còn cử cán bộ xuống tận đầm để tập huấn về kỹ thuật nuôi, hướng dẫn người dân phương pháp chăm sóc cá. Tuy nhiên, đầu ra cho cá vô cùng khó khăn, người dân phải đi bán ở chợ từng ki-lô-gam, giá 1kg là 100 ngàn đồng, tuy nhiên rất khó bán bởi không phải ai cũng có tiền mua,  trong khi cá lớn từng ngày, không bán được càng tốn công đầu tư. Dự án cá diêu hồng ở Tân Phú – Tân Kỳ cũng thế, đầu tư mô hình thì được nhưng nhân ra diện rộng thì rất khó. Dự án ớt cay, cỏ ngọt, cà rốt ở Hưng Nguyên, hành tăm Yên Khê, ngô đông trên đất 2 lúa ở Con Cuông, lợn rừng, ớt cay ở một số xã  Tân Kỳ, rau nhà lưới ở TP. Vinh… cũng vậy,  đã không tính đến những yếu tố về đầu ra bền vững,  doanh nghiệp thiếu chung thủy khiến cho nông dân thất vọng và mất cả mùa vụ. Thậm chí như hàng loạt cá lồng của của bà con trên sông Lam cũng phải  bỏ  bởi dòng sông khô cạn.  
 
Lý giải nguyên nhân khiến một số dự án, mô hình khó nhân rộng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Công thương huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Mỗi mô hình khi triển khai, ít hay nhiều đều có vốn hỗ trợ (mỗi mô hình từ 30- 40  triệu đồng). Vậy nhưng, khi dự án kết thúc, không còn hỗ trợ kinh phí thì người dân lại không mặn mà nữa. Về phía huyện không đủ kinh phí để triển khai tiếp cho những hộ khác”. Luật KHCN Việt Nam quy định ngân sách hàng năm dành cho KHCN là 2%  nhưng thực tế kinh phí đầu tư KHCN chưa bao giờ đạt được con số đó. Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở kH&CN cho biết: Ở Nghệ An, ngân sách hàng năm dành cho phát triển KH&CN chỉ ở mức 0,4 - 0,5%, vài năm lại đây đạt 0,8-0,9%/năm/tổng chi ngân sách. Nguồn vốn này đầu tư vào rất nhiều hạng mục như thông tin, truyền thông, sinh học, bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm và lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học  y tế, vũ trụ… 
 
Mặt khác, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nông dân chưa cao; chưa chủ động trong tiếp cận, học hỏi khoa học kỹ thuật do đó, hiệu quả triển khai các dự án KHCN còn thấp. Khi dự án kết thúc, thì các mô hình không được nhân rộng. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, môi trường cũng là nguyên nhân làm cho một số  dự án KHCN lĩnh vực nông lâm nghiệp không có “sức sống”, nhưng “bệnh thành tích” khiến không ít cơ quan, đơn vị vẫn triển khai bừa, kiểu vừa làm vừa thử nghiệm. Một số công ty, đơn vị “thuyết phục” được cán bộ huyện, trung tâm khuyến nông nên đã diễn ra hàng loạt các hoạt động khảo nghiệm, trình diễn theo kiểu “mượn lưng” nông dân làm khoa học. 
 
Một nguyên nhân nữa, theo ông Trần Quốc Thành thì lâu nay các đề án KHCN đang làm theo kiểu có gì triển khai nấy, nhiều khi chưa phù hợp thực tế nên không phát huy hiệu quả. Mặt khác, việc triển khai theo mô hình kinh tế hộ gặp không ít khó khăn do manh mún, tác động của KHCN không lớn. 
 
Châu - Quỳnh - Trường