Tổng thống Trump áp thêm lệnh trừng phạt nặng Iran
Hãng tin Reuters ngày 24/6 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm thẳng vào lãnh tụ tối cao của Iran, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người ông cho rằng chịu trách nhiệm về lối "hành xử thù địch" của Tehran. "Các biện pháp trừng phạt thông qua sắc lệnh sẽ chặn lãnh tụ tối cao Iran và văn phòng của ông ấy, cũng như những người thân tín với ông ấy, tiếp cận các nguồn tài chính và hỗ trợ" - ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Mỹ khẳng định các biện pháp trừng phạt có thể chấm dứt vào ngày 25/6, hoặc "kéo dài nhiều năm", phụ thuộc vào hồi đáp của Iran. Ông Trump cho hay ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran. Tuy nhiên Tehran đã từ chối đề nghị đàm phán, trừ khi Washington dỡ bỏ trừng phạt.
Ukraine "đình công" để phản đối Nga trở lại cơ quan nhân quyền châu Âu
Nghị sĩ Volodymyr Ariev, trưởng phái đoàn Ukraine tại Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE), ngày 25/6 tuyên bố họ quyết định "tạm ngừng tham gia công việc của PACE, trừ các vấn đề liên quan tới việc tước quyền của phái đoàn Nga" tại cơ quan này, nhằm phải đối quyết định tái kết nạp Nga.
Trước đó, PACE, cơ quan giám sát nhân quyền của Ủy hội châu Âu, quyết định cho phép các đại diện của Nga trở lại hội đồng, sau khi họ bị tước quyền bỏ phiếu do vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông thất vọng với quyết định này. "Tôi đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng việc phái đoàn Nga trở lại PACE chỉ có thể xảy ra sau khi Moskva đáp ứng những yêu cầu chính của hội đồng. Thật đáng tiếc khi các đối tác châu Âu không lắng nghe chúng tôi", Zelensky viết trên Facebook. Trong khi đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã ca ngợi quyết định của PACE. "Đây là một sự kiện rất tích cực. PACE không thể hoạt động trọn vẹn nếu thiếu sự tham gia của Nga", ông cho biết, nói thêm rằng đây là "chiến thắng của lẽ thường".
Lãnh đạo Hàn Quốc - Nhật Bản không gặp song phương bên lề Hội nghị G20
Ngày 25/6, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết không có cuộc gặp nào đã được lên kế hoạch giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần này. Một quan chức giấu tên của Nhà Xanh nêu rõ cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không diễn ra tại Hội nghị G20. Quan chức trên nhấn mạnh Hàn Quốc luôn sẵn sàng tổ chức cuộc gặp này, song phía Nhật Bản lại không như vậy. Hiện Tokyo vẫn chưa phản hồi về đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh của Seoul.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thời gian qua đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp. phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến. Hàn Quốc đã đề xuất thành lập quỹ bồi thường chung để giải quyết vấn đề này, song Nhật Bản đã từ chối.
Israel chặn hoạt động vận chuyển nhiên liệu tới Dải Gaza
Ngày 25/6, Israel đã chặn hoạt động vận chuyển nhiên liệu tới Dải Gaza nhằm đáp trả việc các quả bóng bay mang theo mồi lửa được thả từ vùng đất ven biển của người Palestine bay sang lãnh thổ nước này. Trong một tuyên bố, COGAT, đơn vị quân sự Israel phụ trách các vấn đề dân sự Palestine, cho biết quyết định trên được đưa ra sau "vụ thả bóng bay mang mồi lửa từ Dải Gaza sang Israel" gây hỏa hoạn tại khu vực biên giới. Việc vận chuyển nhiên liệu đã bị tạm dừng tại cửa khẩu thương mại Karem Shalom trong sáng 25/6 và Israel sẽ tiếp tục đóng cửa khẩu này "cho tới khi có thông báo tiếp theo".
Hoạt động vận chuyển nhiên liệu, do Qatar tài trợ cho Dải Gaza qua biên giới Israel, được triển khai theo thỏa thuận ngừng bắn được Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza nhất trí hồi cuối năm ngoái. Thỏa thuận này do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nhiên liệu tại vùng đất vốn đang dần kiệt quệ vì sự phong tỏa của Israel.
Đảng Bảo thủ sẽ công bố tân thủ tướng Anh vào ngày 23/7
Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh ngày 25/6 thông báo thông tin về người chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí đứng đầu đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng kế nhiệm bà Theresa May sẽ được công bố vào ngày 23/7 tới. Ngày 20/6 vừa qua, các nghị sỹ đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh đã tổ chức bỏ phiếu chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng cho vị trí lãnh đạo đảng và thủ tướng Anh thay bà May.
Kết quả là 2 ứng cử viên gồm cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã giành được số phiếu cao nhất để bước vào vòng bỏ phiếu quyết định. Hai ứng cử viên này sẽ có 1 tháng để vận động và thuyết phục 160.000 thành viên đảng Bảo thủ thông qua các cuộc tranh luận và chất vấn trên toàn quốc.