Ukraine hoãn rút lực lượng khỏi vùng trung lập
Ngày 7/10, quân đội Ukraine đã không thực hiện việc rút quân khỏi một số vùng chiến sự theo thỏa thuận mà Nhóm Tiếp xúc ba bên giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) đạt được hôm 2/10 như một điều kiện để nối lại đàm phán của nhóm "Bộ tứ Normandy" giải quyết xung đột tại Ukraine.
Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Latvia, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Pristaiko thông báo và giải thích rằng quyết định rút quân từ ngày 7/10 sẽ được đưa ra nếu trong 7 ngày (từ ngày 2/10) không xảy ra nổ súng tại vùng ranh giới, song vài ngày trước đây tiếng súng đã vang lên tại một số khu vực dân cư ở đây. Do đó, phía Ukraine quyết định hoãn ngày rút quân như thỏa thuận. Ông Pristaiko cho biết sẽ phải chờ thêm thời hạn 7 ngày "im tiếng súng" để nói đến một lệnh rút quân mới.
Người Kurd tức giận vì bị Mỹ 'bỏ rơi'
Theo Reuters, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu đã "bị đâm sau lưng" bởi một tuyên bố bất ngờ từ phía Mỹ vào ngày 7/10 rằng Mỹ sẽ không can dự vào một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Lực lượng dân quân người Kurd tại Syria đã biểu tình bên ngoài một căn cứ quân sự Mỹ đóng gần Tel Arqam, yêu cầu được bảo vệ trước sự “xâm chiếm” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ngăn chặn ông Erdogan, ngăn chặn cuộc xâm chiếm!”, liên tục tiếng hô vang từ đoàn người biểu tình đã đi bộ vài kilomet từ thị trấn biên giới Ras al-Ayn (tỉnh Hasakah, Syria) đến cứ điểm quân sự Mỹ gần Tel Arqam để trình một bản kiến nghị yêu cầu được bảo vệ trước chiến dịch quân sự của Ankara.
Thủ tướng Anh hối thúc EU nêu rõ quan điểm với kế hoạch Brexit mới
Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) liệt kê chi tiết những lo ngại của khối này với kế hoạch Brexit - chỉ việc Anh rời EU - đồng thời khẳng định London đã "nhượng bộ đáng kể" để hai bên có thể đạt thỏa thuận. Ông Johnson nhấn mạnh Anh đã đưa ra một đề nghị rất "hào phóng, công bằng và hợp lý" và mong muốn EU nhanh chóng thể hiện rõ quan điểm. Nếu phía EU có vấn đề với bất kỳ đề xuất nào nêu trong kế hoạch thì hai bên nên ngồi lại để thảo luận chi tiết.
Trong khi đó, chia sẻ sau khi gặp các nhà đàm phán Brexit của Anh, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho rằng Anh cần "thực tế và rõ ràng" hơn trong kế hoạch mới đề xuất để đạt thỏa thuận với EU.
Bị ông Trump tung đòn, nông dân châu Âu bầm dập
Từ 8/10, Mỹ sẽ chính thức áp đặt thuế trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) với khối hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD. Các quốc gia hỗ trợ Airbus như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh sẽ chịu tác động chính từ các biện pháp này. Động thái áp thêm thuế của chính quyền Trump chủ yếu nhằm vào ngành sản xuất máy bay của châu Âu, nhưng đồng thời cũng đánh vào hàng nông sản của EU. Cụ thể, các mức áp thuế sẽ tăng thêm 10% với ngành máy bay và 25% với các hàng nông sản vào ngày 18/10 sắp tới.
Chủ tịch Bob Bauner thuộc Tổ chức Công nghiệp Thực phẩm tại bang New Jersey, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm trên toàn cầu, cho biết nhiều thành viên của tổ chức này rất tức giận khi ngành thực phẩm chịu ‘vạ lây’ do sự tranh chấp về việc trợ cấp của các tập đoàn sản xuất máy bay gây ra. Còn người đứng đầu nhóm nông sản COAG của Tây Ban Nha Miguel Blanco, đại diện cho hơn 15.000 nông dân và người chăn nuôi, lại cho rằng các mức thuế ‘hoàn toàn bất công và thừa thãi’. “Một lần nữa, lĩnh vực nông nghiệp chịu hậu quả cho cuộc thương chiến của EU vốn chẳng liên quan gì đến vùng nông thôn Tây Ban Nha”, ông Blanco trả lời phỏng vấn tờ Europa Press.
Giải Nobel Y học 2019 vinh danh các nhà khoa học với công trình nghiên cứu tế bào
Chiều 7/10 (theo giờ Hà Nội), Giải Nobel Y học 2019 đã được trao cho ba nhà khoa học với công trình nghiên cứu phản xạ của tế bào. Ba nhà khoa học William G. Kaelin Jr, Peter J. Ratcliffe và Gregg Semenza đã được trao Giải Nobel Y học với công trình nghiên cứu về phản xạ của tế báo trên cơ thể người đối với các môi trường oxy thay đổi. Cơ chế thích nghi của tế báo với môi trường oxy thay đổi là một trong những lý do các loài động vật có thể thích nghi được ở nhiều điều kiện sống.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Giải Nobel nêu rõ công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học người Mỹ gốc Anh này đã "mở đường cho những phương thức mới đầy hứa hẹn trong điều trị bệnh thiếu máu, ung thư và nhiều căn bệnh khác".