Tổng thống Trump cáo buộc Chủ tịch Hạ viện phản quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tội phản quốc trong bối cảnh ông bị Hạ viện điều tra luận tội. Nhắc đến cả Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff, Tổng thống Trump ngày 6/10 đã đăng lên mạng xã hội Twitter: “Bà Nancy Pelosi biết hết về những lời nói dối của ông Adam Schiff và sự gian trá với quốc hội và người dân Mỹ. Điều này khiến bà Nancy mắc cả tội lớn và tội nhỏ cũng như tội phản quốc không khác gì ông Adam Schiff. Tôi cho rằng điều này có nghĩa là họ và những kẻ xấu quanh họ đều phải bị luận tội ngay lập tức".
Trước khi chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Tổng thống Trump đã cáo buộc ông Schiff tội phản quốc. Ngày 30/9, nhà lãnh đạo Mỹ đăng trên mạng xã hội Twitter: “Nghị sĩ Adam Schiff đã đưa ra phát biểu tồi tệ và giả dối rồi coi đó là lời của tôi trong phần quan trọng nhất của cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine. Sau đó, ông ấy đọc to nó trước Quốc hội và người dân Mỹ. Nó không hề liên quan tới những gì tôi đã nói trong điện đàm. Có nên bắt ông ấy vì tội phản quốc không?”.
Nga không hoan nghênh Mỹ tham gia cơ chế đàm phán "Normandy" về vấn đề Ukraine
Đại diện của Điện Kremlin nhắc lại rằng nỗ lực chính giải quyết tình hình hiện nay đang tập trung trong cơ chế đàm phán "Bộ tứ Normandy" - gồm Nga, Đức, Ukraine và Pháp - và theo quan điểm chung của các thành viên "Bộ tứ", hiện không có cơ chế nào khác thay thế cơ chế này.
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tiền
Ngày 7/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đang thâm hụt 230 triệu USD và có thể cạn kiệt tiền vào cuối tháng này. Trong bức thư gửi 37.000 nhân viên tại Ban Thư ký LHQ, ông Guterres cho biết sẽ phải thực hiện các biện pháp bổ sung tạm thời để đảm bảo trả lương và các quyền lợi cho nhân viên. Ông cảnh báo: "Chúng ta có nguy cơ cạn kiệt nguồn tiền dự trữ lưu động dự phòng vào cuối tháng này".
Theo ông Guterres, các quốc gia thành viên mới chỉ đóng góp 70% tổng số tiền cần thiết để duy trì các hoạt động thường kỳ trong năm nay, dẫn tới thâm hụt 230 triệu USD vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo thống kê, nếu không tính khoản chi cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngân sách hoạt động của LHQ trong năm 2018 - 2019 là xấp xỉ 5,4 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp 22%.
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hoàn tất việc chuẩn bị cho chiến dịch ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/10 cho biết, đã hoàn tất việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria để thiết lập một vùng an toàn sau khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới này. Quân đội nước này đã gửi quân tiếp viện mới tới biên giới cùng gần 100 xe tăng, xe bọc thép.
Nếu thực hiện tấn công thì đây sẽ là lần tấn công thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016 để ngăn chặn ảnh hưởng của người Kurd ở Syria. Mục tiêu của chiến dịch này là chống lại lực lượng dân quân người Kurd (YPG) vì Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là mối đe dọa an ninh và thứ hai là tạo ra một khu vực an toàn dài 32 km trên lãnh thổ Syria nơi hai triệu người Syria đang tái định cư. Từ lâu nay, lực lượng dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là lực lượng dân quân người Kurd (YPG) có liên hệ với Lực lượng lao động người Kurd (PKK) bị xem là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh điều chỉnh chế độ thuế quan để ứng phó Brexit không thỏa thuận
Ngày 8/10, Anh công bố điều chỉnh chế độ thuế quan áp dụng trong trường hợp quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi Brexit - không có thỏa thuận, theo đó cho phép 88% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu được xin miễn thuế.
Với mục đích hạn chế leo thang giá tiêu dùng mà không làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước, "quy trình đánh giá đặc biệt" mới cho phép Anh áp dụng những thay đổi đối với chế độ thuế quan ngay từ ngày đầu tiên rời EU nếu cần thiết. Bộ trưởng chính sách Thương mại Anh Conor Burns nêu rõ: "Anh là một nước tự do thương mại và các doanh nghiệp Anh có vị trí vững chắc để cạnh tranh trong môi trường mở và tự do".