UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với những nội dung chủ yếu sau: 

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020

a) Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và HĐND các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó làm rõ các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ được các thành tựu nổi bật của giai đoạn 2016 - 2020), các yếu kém, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục cho giai đoạn tới.

bna_mot_goc_thanh_pho_vinhanh_thanh_duy2298696_2320205966338_352020.jpgMột góc thành phố Vinh. Ảnh minh họa: Thành Duy

b) Phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi ngành, lĩnh vực. Trong mỗi nội ngành, lĩnh vực chỉ rõ nhóm phát triển chủ lực, những tác động mà các nhân tố này mang lại trong nội ngành và trong tổng thể của sự phát triển kinh tế, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ yếu, chủ lực; việc khai thác và sử dụng nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước,... Thực hiện cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm, gồm: đầu tư công, ngân sách nhà nước, khu vực công, đơn vị sự nghiệp công lập... Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, năng lực sản xuất mới tăng thêm giai đoạn 2016 - 2020.

c) Tình hình thực hiện các đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; xây dựng quan hệ lao động hàihòa, tiến bộ; đổi mới giáo dục đào tạo gắn với phát triển, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

d) Tình hình thực hiện thu chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu; nợ chính quyền địa phương. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển, như: vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; vốn từ khu vực dân cư; vốn đầu tư từ khu vực tư nhân; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn huy động khác.

đ) Đánh giá các nội dung trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, như: công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; chăm sóc người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bên vững; tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19; thông tin, văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện các quyền trẻ em, phát triển thanh niên, bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội,...

Đường lên Nậm Cắn, Kỳ Sơn. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn

e) Đánh giá tình hình thực hiện công tác quy hoạch và phát triển vùng, liên kết vùng; kinh tế biển; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

f) Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình hình khai thác cát sỏi trái phép, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tình hình hạn hán, ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước...

g) Tình hình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, an toàn không gian mạng và trật tự an toàn xã hội; triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.

i) Đánh giá công tác cải cách hành chính; thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp và tinh gọn bộ máy; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

a) Xác định bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ 2021 đến 2025, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025: mục tiêu hướng đến năm 2025 của sở, ban, ngành và địa phương.

c) Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn: căn cứ tình hình thực tế xây dựng tốc độ tăng trưởng hợp lý, phù hợp và có tính phấn đấu cao; đề ra một số chỉ tiêu cơ bản của ngành, lĩnh vực và địa phương cho giai đoạn 2021-2025.

d) Nghiên cứu lựa chọn, đề xuất và triển khai lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch 5 năm phù hợp với đặc thù các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên các mục tiêu đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người (xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, y tế, dinh dưỡng, nước sạch, giáo dục, bảo trợ xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch theo hướng xanh hóa); các mục tiêu phù hợp với các mũi đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; các mục tiêu có tính khả thi cao có thể tạo ra tác động lan tỏa đối với nhiều ngành, lĩnh vực, liên vùng; các mục tiêu mang tính xuyên suốt (trẻ em, bình đẳng giới...).

đ) Định hướng, nhiệm vụ chủ yếu:

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.

- Phát huy tối đa lợi thế các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành chủ lực, các vùng trọng điểm có tác động mạnh, lan tỏa tới sự phát triển chung. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trọng điểm đối với mỗi vùng, khu vực, phát huy lợi thế, tiềm năng đối với mỗi địa phương. Thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt. Phát triển các vùng nguyên liệu để chủ động hơn cho các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biển.

- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp...; phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông của Nghệ An ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo  dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa xứ Nghệ; tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông.

Trò chơi dân gian tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh minh họa: Thành Cường

- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách cùng với việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 đồng bộ để thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

- Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: chủ động tích cực hội nhập quốc tế.