NHÌN TỪ THỰC TẾ

Nhiều năm qua, các huyện miền Tây của tỉnh được các cấp, ngành thúc đẩy phát triển với nhiều chủ trương như: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg ngày 4/12/2013.

Cùng đó, nhiều chính sách hiệu quả thiết thực từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a. Tỉnh cũng phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây…

bna_image_1797443_2542019.jpgMô hình trồng sau sạch ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Những chính sách, chủ trương đó, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng bào đã đưa tốc độ tăng trưởng bình quân các huyện miền Tây giai đoạn 2013 - 2019 đạt 7,3%. Riêng trong năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.763 tỷ đồng  (tăng 6.267 tỷ đồng so với năm 2013).

Có nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện và phát huy hiệu quả; tính liên kết về phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng với các địa phương của tỉnh và các tỉnh khác từng bước được hình thành. Khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, vùng miền Tây của tỉnh còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, kết quả một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng đạt còn thấp; khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản hiệu quả chưa cao. Một số sản phẩm công nghiệp trọng điểm đạt thấp so với kế hoạch; du lịch phát triển chậm. Thu hút đầu tư còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao (Đến cuối năm 2018 bình quân các huyện miền Tây còn 15% hộ nghèo. Điển hình Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… tỷ lệ hộ nghèo còn trên 32%). Chất lượng giáo dục so với miền xuôi còn chênh lệch. Mức sống của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thấp.

Tại huyện Quế Phong, theo ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện, mặc dù, những năm qua, huyện đã lồng ghép nhiều chương trình dự án, có nhiều hỗ trợ đồng bào phát triển lúa nước, các loại cây lương thực, đẩy mạnh chăn nuôi…, nhưng hạ tầng nói chung trên địa bàn vẫn còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2019 còn 32,5%. Đến nay, vẫn còn hơn 2.063 hộ thiếu đói vào mùa giáp hạt, Nhà nước đang trợ cấp hơn 26.460 tấn gạo mỗi năm.

Gian hàng đặc sản được huyện Quế Phong được mở với mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm bà con sản xuất. Ảnh: NS

Điều đó, đòi hỏi huyện phải đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh lương thực, khuyến khích đồng bào phát triển kinh tế bằng các mô hình hiệu quả. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả 2.250 ha lúa nước; phát triển cây dược liệu, chanh leo; khoanh nuôi, phát triển rừng; tăng cường chăn nuôi theo hướng hàng hóa… Nhưng trên địa bàn vẫn thiếu những doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể “dẫn dắt” để kết nối từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, tăng giá trị theo chuỗi.

Thực tế ở Quế Phong cũng là thực trạng chung của các huyện miền Tây Nghệ An, cho dù tiềm năng đã được “gọi tên” như: Phát triển dược liệu, cây - con bản địa, nông sản sạch; nâng giá trị kinh tế rừng; phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng…

ĐỘNG LỰC MỚI

Trăn trở với các huyện miền Tây, Chính phủ, tỉnh Nghệ An tích cực triển khai nhiều chính sách, vừa phát triển hạ tầng, vừa hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tỉnh cũng tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để hiến kế cho phát triển miền Tây. Nhiều ý kiến khẳng định, miền Tây của tỉnh có nhiều lĩnh vực có điểm mạnh, như kinh tế rừng, dược liệu, nông sản sạch, phát triển du lịch.

Du lịch ở miền Tây Nghệ An là lĩnh vực có nhiều lợi thế để phát triển. Trong ảnh: Du lịch cộng đồng tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: P.V

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An: “Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này nó tạo ra nhiều cơ hội lớn và thách thức lớn. Chính vì vậy, Nghệ An và miền Tây của tỉnh phải biết lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế so sánh cao nhất, có tác động lan tỏa lớn nhất. Chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ được vì nguồn lực chúng ta có hạn. Ở Việt Nam lợi thế so sánh là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Ở Nghệ An, 3 lợi thế so sánh này đều hội tụ đủ, riêng  khu vực miền Tây, 2 lợi thế so sánh nổi trội là du lịch và nông nghiệp. Cần phải biết khai thác hai mũi nhọn này của vùng”.

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, miền Tây Nghệ An phải phát triển sản xuất rau quả và sản phẩm đặc sản như: cam, chanh leo, dứa, thanh long…; phát triển các loại dược liệu đặc hữu như: tam thất, đông trùng hạ thảo, các loại sâm. Lãnh đạo các cấp cần có cách để tạo ra phong trào trồng dược liệu, nhất là phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khu vực Tây Nghệ An đặc biệt có tiềm năng phát triển đàn trâu, bò. Tuy nhiên để phát huy được giá trị cần phải mở rộng quy mô lớn hơn, trong đó khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển các làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gắn với các doanh nghiệp để đưa ra thị trường. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung đầu tư, phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Những định hướng trên đang được tỉnh Nghệ An và các huyện đẩy mạnh phát triển. Song vẫn thiếu những “nhạc trưởng” cho sự tăng trưởng của từng huyện và cả vùng miền Tây. Theo ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, định hướng phát triển miền Tây đã sáng rõ. Vấn đề chúng ta rất cần động lực mới về cơ chế, chính sách có tính tổng lực. Trong khi nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn hẹp, thì sự hỗ trợ của Trung ương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào địa bàn rất quan trọng để tạo tính đột phá.

Mới đây, ngày 15/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”. Đó là động lực mới rất quan trọng cho các huyện miền Tây Nghệ An. Trên cơ sở đó, tỉnh đang rà soát, đánh giá một cách cụ thể các lĩnh vực để có những giải pháp tiếp theo trong phát triển kinh tế- xã hội các huyện miền Tây Nghệ An.

Đường lên Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn
Các huyện miền Tây Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh. Dân số toàn vùng khoảng hơn 1,1 triệu người, chiếm 36,6% dân số toàn tỉnh, trong đó khoảng 38,9% là dân tộc thiểu số. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả nước.