Thành công của U23 Việt Nam cách đây 2 năm được các chuyên gia bóng đá phân tích rất nhiều. Nhưng có một điều không thể bỏ qua đó là khi trong tay ông thầy Hàn Quốc sở hữu rất nhiều cầu thủ có tốc độ và kỹ thuật, điều kiện để vượt qua đối thủ trong các pha đối kháng.
Tại vòng bảng, 2 trận đầu tiên Quang Hải đã có 2 bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc (dù thua 1-2) và U23 Úc (thắng 1-0) để sau đó có trận hòa không bàn thắng với U23 Syria để vượt qua vòng bảng.
Khi đấy U23 Việt Nam thi đấu với sơ đồ 3-4-3, Hà Đức Chinh và Nguyễn Công Phượng thay nhau đá cắm, có tâm lý hưng phấn Quang Hải thi đấu càng đá càng hay, có thêm 6 bàn trong 3 trận knock-out để giành vị trí Á quân.
Quang Hải cô đơn
Phải thừa nhận, đây là giải đấu Quang Hải thi đấu xuất thần, nhưng khi đó xung quanh anh luôn có những vệ tinh chia sẻ. So với cách đây 2 năm, hàng công không còn Phan Văn Đức, Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn. Các vị trí đá cánh vắng Đoàn Văn Hậu, mất Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh.
Ngoại trừ Văn Hậu, 5 cầu thủ còn lại đều xuất thân từ lò HAGL,SLNA ngoài sở hữu kỹ thuật, tốc độ họ đều là mẫu cầu thủ có độ lì nhất định. Đá cạnh Quang Hải, họ khiến cho đối phương phân tâm bởi nếu không bị kèm cặp chặt thì các cầu thủ này đủ tự tin solo tấn công, ghi bàn.
Trong đội hình U23 Việt Nam “phiên bản 2020” Quang Hải đang trở nên cô đơn. Các vệ tinh Hoàng Đức, Tiến Linh, Đức Chinh không có được những phẩm chất như những cầu thủ lò SLNA, HAGL kể trên. Các cầu thủ U23 UAE, U23 Jordan chỉ cần bố trí kèm chặt Quang Hải là U23 Việt Nam như quả bộc phá không có ngòi nổ.
Hiện đội tuyển U23 Việt Nam không ai có tốc độ như Văn Đức, cũng không có những pha đi bóng như đi vào chỗ không người như Công Phượng. Nên các cầu thủ Tây Á không quá khó khăn khống chế và làm chủ trận đấu khi gặp các học trò của ông Park Hang-seo.
Ông Park nhiều lúc đã buộc phải kéo Quang Hải về giữa sân để tránh sự kèm cặp và bổ sung năng lực tổ chức trận đấu cho U23 Việt Nam. Theo dõi bàn đồ nhiệt hoạt động Quang Hải đều đá rất thấp, chỉ loanh quanh ở vạch giữa sân, trái với 2 năm trước, thời điểm Hải chỉ tập trung hoạt động ở biên phải, trước vòng cấm để săn bàn thắng.
Đi tìm “chim thật”
Khi Quang Hải đóng vai trò “chim mồi” thì U23 Việt Nam lại không xuất hiện “chim thật”, điều đó khiến cho bàn thắng không đến.
Không có những khuôn mặt như Công Phượng, Văn Đức ghi bàn như trước đây. U23 Việt Nam hiện tại đa phần là những cầu thủ to khỏe, chăm chỉ nhưng thiếu sự tự tin, sáng tạo.
Ông Park đành quên đi miếng đánh vỗ mặt ở trung lộ chủ yếu chuyển sang tấn công sang hai bên. Ông thầy Hàn quốc đành chuyển sang sơ đồ 3-5-2 với Đức Chinh - Tiến Linh là đá cắm là để đón những đường bóng tạt biên, nhưng 2 cầu thủ đá cánh không phải vingback chuyên nghiệp, không tấn công sát đáy biên để tạt bóng.
Sau chấn thương thể lực chưa đảm bảo nhưng Quang Hải phải một mình đảm nhận cả 2 nhiệm vụ tổ chức và ghi bàn. Đội trưởng U23 Việt Nam đang đóng vai trò chuyền bóng nhiều nhất, tạo ra nhiều cơ hội nhất, cầm bóng và sút cầu môn nhiều nhất đội. Nhưng “một cánh én không tạo nên mùa xuân”, đến giờ Quang Hải chưa có bàn nào ở U23 châu Á 2020, thậm chí cũng chưa có được 1 cơ hội rõ rệt cũng là điều dễ hiểu.
Nỗi nhớ “sông, núi”
Ông Park đã dự đoán được những khó khăn chờ đợi, để thay thế Công Phượng, Văn Đức ông đã từng thử nghiệm Trần Danh Trung, Martin Lo và nhất là Nguyễn Trọng Hùng cho vai trò tiền vệ công. Có vẻ như Trọng Hùng là khuôn mặt được kỳ vọng hơn cả nhưng chấn thương của cầu thủ xứ Thanh tại SEA Games 30 đã làm cho kế hoạch của ông phá sản.
Vài năm gần đây, lò SLNA, HAGL không cung cấp những khuôn mặt xuất sắc thì chính thành tích của 2 đội bóng này phập phù. Nhưng rõ ràng U23 Việt Nam đang gặp khó khăn tại VCK U23 châu Á lần này vì không có những cầu thủ xuất sắc. Nỗi nhớ “núi”, “song” là có thật!