Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo SEA Games 26 để gút lại những dự báo về kết quả thi đấu tại đại hội thì thật ngạc nhiên, môn bóng đá không đăng ký chỉ tiêu HCV. Lý do thật… tế nhị: ngại các cầu thủ U-23 bị áp lực tâm lý.

Thông tin trên được Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng xác nhận. Tất nhiên là ai cũng biết, ông Thắng cũng dựa trên đề nghị từ VFF chứ là người đứng đầu ngành thể thao, hơn ai hết, ông Thắng rất chờ đợi chiếc HCV của bóng đá. Bởi bất kỳ huy chương màu nào thì cũng là thất bại, là lãng phí.

So với các môn khác, bóng đá được hưởng các ưu đãi tương đương từ Nhà nước. Tuy nhiên, nó lại đang “ngốn” một nguồn lực xã hội rất lớn. Những nhà quản lý thể thao Việt Nam đều hiểu rằng, chiếc HCV bóng đá có thể “đổi” được 1/3 tổng số huy chương. Tuy nhiên, nếu ngay chính VFF còn không thể nhận chỉ tiêu vàng thì Tổng cục TDTT cũng khó gây sức ép. Bóng đá không phải là môn chơi có tính chính xác như một số môn được đo thành tích bằng các con số cụ thể.

Vấn đề là cho đến nay, giới truyền thông vẫn cho rằng VFF đang giao chỉ tiêu HCV cho ông Falko Goezt, xem như đấy là điều khoản quan trọng trong hợp đồng với ông thầy người Đức này. Hơn nữa, theo kế hoạch tập trung của VFF công bố thì gần như đã dồn toàn lực phục vụ cho mục tiêu lấy vàng.

Vậy tại sao lại còn “chọn đường lùi” bằng cách không đăng ký chỉ vì ngại “gây áp lực lên cầu thủ”?

Chiến thắng không bao giờ là một áp lực trong bóng đá. Không thể bước ra sân mà không muốn thắng. Đoạt HCV tại SEA Games đương nhiên là phức tạp hơn cả một chiến thắng, nhưng vì vậy mới cần HLV giỏi để tính toán chiến lược, mới cần một quá trình tập trung lẫn đầu tư tiền của để hạn chế tối đa những rủi ro thất bại.

Đã làm được đến thế, vậy tại sao vẫn không thể tin vào chiến thắng sau cùng?

Vấn đề áp lực tâm lý, nếu đối với các môn thể thao cá nhân thì còn có thể lý giải được bởi thành tích của họ được và mất nhiều khi chỉ trong một khoảnh khắc rất nhỏ. Tập luyện bao nhiêu đi nữa, thần kinh vững vàng thế nào đi nữa vẫn có thể thất bại. Chuyện “tia chớp” Ulsan Bolt bị loại ở cự ly 100m sở trường mới đây là ví dụ sống động.

Nhưng đối với bóng đá, chuyện ấy rất khó chấp nhận. Chúng ta có thể thất bại (ai cũng có thể thất bại) nếu đối phương mạnh hơn. Nhưng nếu đã phải chờ đợi hơn 50 năm, tham dự đến bao nhiêu trận chung kết SEA Games từ 1995 đến nay, chuẩn bị đến 2 tháng trời với hơn chục trận đấu đỉnh cao thì không thể thất bại vì áp lực tâm lý được. Một nguyên nhân khác thì có thể chấp nhận, áp lực là cái gì đó quá chung chung. Nó chỉ nói lên sự thiếu trách nhiệm của những người đang quản lý bóng đá.

Ông Falko Goezt đương nhiên sẽ gật đầu nhận mục tiêu phải đoạt HCV. Bởi đấy là công việc của ông. Tin ông Goezt, giao trách nhiệm cho ông ta, mà lại không dám chắc có thành công hay không thì xem ra, chính những người quản lý ông Goezt lại thiếu lòng tin hơn ai hết.

Ông Goezt mà không đoạt HCV thì sẽ mất việc. Nghĩa là ông làm việc bằng áp lực. Vậy tại sao học trò của ông lại được quyền “tránh áp lực”? Tại sao những người có trách nhiệm với đội tuyển còn nhiều hơn ông Goezt lại cũng muốn “tránh áp lực”? Đặt chỉ tiêu HCV là chuyện rất bình thường, là đương nhiên. Chẳng hiểu sao, đến tận bây giờ rồi mà kiểu lý luận “tránh áp lực” vốn quen thuộc ở thời bóng đá bao cấp cứ vẫn tồn tại nhỉ?.

Người biết chuyện cười mỉm: “Cầu thủ bây giờ rất giỏi gây áp lực cho người khác để tăng giá trị chuyển nhượng cho mình thì sao lại tự giải thoát áp lực cho họ vậy nhỉ”.


Theo Sài Gòn Giải Phóng