Tác giả trẻ Du Phong (tên thật Nguyễn Tuấn Trung) đã đặt câu hỏi cho các đội tuyển U23 Việt Nam: "Các em yêu Tổ quốc thế nào vậy?".
Xin đăng nguyên văn bài viết của Du Phong.
Cờ đỏ sao vàng có bao giờ đẹp thế không?Có những khoảnh khắc mà khi nhìn thấy, tôi thực sự rùng mình và tự hỏi khi ấy các em đã nghĩ gì?
Tôi nhìn thấy khoảnh khắc Duy Mạnh bị đối thủ đá bóng trúng mặt, cú sút mạnh đến choáng váng, máu chảy nhòe nhoẹt. Nhưng dường như em chẳng bận tâm điều đó, vẫn tiếp tục cuộc chiến, dũng mãnh và gan dạ đến cùng.
Tôi thấy Tiến Dũng đổ máu mồm, màu đỏ thẫm rơi xuống nền tuyết trắng. Em cố ngậm lấy, giả vờ như không biết để không phải rời sân. Trọng tài phát hiện và ép phải ra sân để được chăm sóc, em mới miễn cưỡng nhăn nhó chạy ra. Chưa được một phút sau, hậu vệ của chúng ta đã xuất hiện lại ở trước cầu môn và lại đưa thân đón một cú sút trái phá khác, vào mặt.
Tôi nhìn thấy khoảnh khắc Đức Huy thi đấu trọn vẹn tất cả thời gian của hiệp chính, hiệp phụ, kiệt sức đến hai chân chuột rút không thể đi được nữa, phải cáng ra ngoài. Lát sau, khi đỡ hơn một chút, em vào sân chạy miệt mài và còn hăng hơn lúc trước.
Tôi không hiểu làm gì có động lực nào khiến người ta quên đi nỗi đau của bản thân mình mà xông pha như thế, ngoại trừ niềm tin chiến thắng và lòng tự hào dân tộc?
Tôi nhìn thấy khoảnh khắc Xuân Trường sau khi sút xong loạt đá luân lưu, liền ngay lập tức đôn đáo chạy đi lấy áo khoác vì lo những người đồng đội của mình bị lạnh khi đứng giữa trời âm độ. Ngay lúc đó, cảm giác họ không phải một đội bóng mỗi người một quê hương, mà họ đích thị là những người anh em máu mủ ruột già, sinh ra từ một ngôi nhà mang tên Đất Nước.
Chỉ có anh em ruột thịt mới lo lắng cho nhau như vậy. Tôi tự hỏi có phải chính vì sự đoàn kết như một mà U23 Việt Nam đã cùng sát cánh bên nhau viết lên câu chuyện cổ tích của mình?
Tôi nhìn thấy khoảnh khắc các cầu thủ cặm cụi đào tuyết trên sân, nâng niu quả sút phạt duy nhất mà mình có tính đến thời điểm đó. Lúc ấy, sống mũi tôi cay nồng, đội tuyển Việt Nam của chúng ta chưa bao giờ ở vào khoảnh khắc khó khăn kiệt cùng đến như vậy. Lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận hình ảnh nào đặc tả sự quyết tâm và đồng lòng đến như thế.
Và tiếp theo sau đó là hình ảnh có lẽ xứng đáng nhất để đại diện cho U23 Việt Nam ở giải đấu lần này. Một cú sút cầu vồng xé lưới, hàng triệu tiếng hô "Việt Nam" nức nở vang trời, 11 cái bóng áo đỏ ôm xiết lấy nhau giữa khoảng sân trắng xóa.
Cờ đỏ sao vàng có bao giờ nổi bật và đẹp đến thế không?
Chúng tôi không cần cup, chúng tôi cần emTôi nhìn thấy khoảnh khắc sau khi các cầu thủ đi một vòng quanh sân vận động, cúi rạp người cảm ơn người hâm mộ nước nhà và đi vào trong thì còn duy nhất một cầu thủ nán lại. Duy Mạnh, cầm lá cờ Tổ quốc, trèo lên núi tuyết cao nhất ở góc sân vận động, cắm lá cờ trên đó và kính cẩn cúi gập người lùi xuống vài bước.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên sân vận động Thường Châu, những người mạnh mẽ nhất cũng không cầm được nước mắt. Vâng, tôi đã bật khóc, khóc vì quá tự hào về các em, một lứa cầu thủ mang đầy đủ sự kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc đến tất cả mọi nơi các em đặt chân tới. Cảm ơn cha mẹ, thầy cô các em đã dạy dỗ những anh hùng của chúng ta đủ đầy cả tài năng và đức độ.
Sau trận chiến lớn này, các em đồng loạt gửi lời cảm ơn và xin lỗi vì đã không thể mang cúp vàng về.
Nhưng chúng tôi đã trả lời các em rằng: "Nếu các em chiến đấu để mang cúp về tặng người hâm mộ thì người hâm mộ chúng tôi không cần cúp nữa, chúng tôi cần các em thôi. Các em chính là phần thưởng, là món quà quý báu nhất của đất nước này rồi. Hãy về đây, đồng bào đang chờ các em cùng mở hội. Chúng tôi ăn mừng không chỉ vì các em đã đạt được huy chương, mà vì các em đã cho chúng tôi thấy một Việt Nam anh dũng và bất khuất thế nào".
Chưa bao giờ tôi thấy đất nước tôi hạnh phúc và tự hào đến thế! Đội tuyển U23, các em đã yêu Tổ quốc thế nào mới làm được như vậy?
Du Phong hiện sống và làm phiên dịch viên tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Anh xuất bản 5 cuốn sách mang tựa đề Tự yêu, Những gì đã qua đừng nghĩ lại quá nhiều, Nắm tay anh rồi bình yên sẽ tới, Đừng gọi anh là người yêu cũ và Có anh ở đây rồi hạnh phúc cũng ở đây, cùng 3 cuốn sách kết hợp với những tác giả khác.
Thức tỉnh về tình yêu Tổ quốc
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Ban soạn thảo chương trình môn Ngữ văn mới (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ trong trận chung kết, ông đã có mặt ở SVĐ quốc gia Mỹ Đình, không phải để xem bóng đá mà đi xem lòng yêu nước.
Trong những năm tháng chiến tranh, lòng yêu nước là sự hy sinh xương máu, nói như Xuân Diệu: "Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi, bờ sông/ Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy"... Nhưng từ khi đất nước hòa bình, mấy khi được chứng kiến hào khí của lòng dân?
Lâu quá rồi, chưa có một chủ trương hay phong trào nào của nhà nước phát động, kêu gọi mà lại có được lòng yêu nước tự giác của mọi tầng lớp người dân như thế.
"Và họ đã khóc như trẻ nhỏ khi trận đấu cuối cùng, vào giây phút cuối cùng của hiệp phụ cuối cùng, đội bóng thân yêu của mình bị ghi bàn, khép lại giấc mơ vô địch… Tôi không biết lúc khác họ thế nào, làm gì, ở đâu… Nhưng với tôi, lúc này họ là người yêu nước. Tôi cũng biết bóng đá và vận nước khác nhau; nhưng tôi vẫn nghĩ như thế là yêu nước", PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
PGS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ ông đã thấy rất rõ hình hài của lòng yêu nước.