Những con số đầy bất an
Cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump sẽ được tổ chức tại Sân bay quốc tế Portsmouth với một điểm khác biệt so với cuộc vận động tranh cử tại Oklahoma, đó là những người tham gia sẽ được cung cấp khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay. Đây được xem là một sự thừa nhận của ông Donald Trump về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ khi nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới liên tục thiết lập các kỷ lục mới.
Các chuyên gia nhận định rằng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại 39 bang trên khắp nước Mỹ đang phủ bóng đen lên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, đó cũng chính là bài toán khó giải nhất cho đội ngũ tranh cử của ông khi tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 cho vị chủ nhân Nhà Trắng.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang New Hampshire còn chỉ trích rằng, việc cố gắng tổ chức cuộc vận động tranh cử thứ 2 kể từ sau khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 sẽ chỉ càng tăng “mớ hỗn loạn” mà chính quyền của ông Donald Trump đã gây ra trong việc xử lý dịch bệnh một cách yếu kém, đồng thời không quên so sánh với việc ông Joe Biden đã hủy các cuộc vận động tranh cử để nêu bật sự khác biệt giữa hai ứng cử viên.
Việc quyết tâm tổ chức cuộc vận động tranh cử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại là một “canh bạc lớn” trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, bởi rõ ràng đội ngũ tranh cử của ông không thể “án binh bất động” khi các cuộc thăm dò cho thấy đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ đang vượt lên với khoảng cách ngày càng xa.
Những dữ liệu từ các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong lịch sử cũng không ủng hộ ông Donald Trump. Các cuộc thăm dò được tiến hành trong tháng 6 vừa qua đều cho thấy cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn trước ông Donald Trump khoảng 10%. Trong khi đó, cuộc thăm dò mới nhất do Đại học Monmouth thực hiện vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 cho kết quả ông Joe Biden được 53% cử tri ủng hộ, còn ông Donald Trump chỉ được 41%. Tất nhiên, các cuộc thăm dò chưa phải là thước đo chính xác gì cho những gì sẽ diễn ra trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, và nhiều người có thể lập luận rằng đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump vẫn còn tới 4 tháng để lật ngược tình thế. Nhưng đằng sau cuộc khảo sát ngày 4/7 là một thực tế khá quan trọng mà bất cứ vị tổng thống nào cũng cảm thấy bất an nếu rơi vào trường hợp tương tự.
Trong 13 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tiến hành kể từ năm 1940, kết quả trong cuộc bầu cử vào tháng 11 thường chỉ xê dịch trung bình khoảng 4,5% so với kết quả các cuộc thăm dò được tổ chức vào thời điểm Quốc khánh, và mức xê dịch cao nhất cũng chỉ lên tới 7%. Vì vậy, việc bị ông Joe Biden vượt lên với khoảng cách lên tới 2 con số ở thời điểm này được xem là điểm cực kỳ bất lợi với Tổng thống Donald Trump. Một tín hiệu xấu hơn với ông Donald Trump là, ở thời điểm này của tất cả các cuộc bầu cử, những ứng cử viên nào giành được tỷ lệ ủng hộ trên 50% sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua cuối cùng.
Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng ông Donald Trump cùng đội ngũ tranh cử của mình cần phải làm được điều gì đó “thực sự phi thường” mới có thể lật ngược tình thế. Theo một số nguồn tin, ông Donald Trump đang quyết tâm “làm mới” chiến dịch tranh cử của mình bằng cách thay đổi nhân sự cùng với việc mở rộng các thông điệp trong chiến dịch tranh cử để thu hút thêm các cử tri ngoài phạm vi các cử tri bảo thủ truyền thống. Đặc biệt, ông có thể tập trung vào khả năng dẫn dắt sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch - một điểm sáng trong các cuộc thăm dò đến thời điểm này.
Hai mũi “giáp công” của ông Trump
Chiến dịch tranh cử ban đầu của ông Donald Trump đặt ra mục tiêu mở rộng khả năng chiến thắng sang các bang “màu xanh” truyền thống của đảng Dân chủ như Minnesota, Nevada, New Mexico và New Hampshire. Nhưng giờ đây, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump phải quay trở lại với mục tiêu cơ bản hơn, đó là “giữ chặt” các bang mà ông đã giành chiến thắng hồi năm 2016, đặc biệt đảm bảo chiến thắng tại các bang được coi là “thành lũy bất khả chiến bại” của đảng Cộng hòa như Georgia hay Florida.
Đây là mục tiêu không dễ dàng, bởi một số trợ lý trong chiến dịch tranh cử đã nhìn thấy nguy cơ đánh mất một số bang mà ông Donald Trump từng giành chiến thắng hồi năm 2016 như Michigan, Wiscosin. Kể cả tại bang Georgia - nơi chưa một ứng viên đảng Dân chủ nào giành chiến thắng từ năm 1992 đến nay, kết quả khảo sát cũng cho thấy ông Joe Biden đang dẫn trước ông Donald Trump. Đội ngũ của ông Donald Trump hiện có cái nhìn rất thực tế, đó là không kỳ vọng vào một chiến thắng “long trời lở đất” như hồi năm 2016, mà chỉ cố gắng giành được số phiếu đại cử tri tối thiểu để chiến thắng.
Nhưng để làm được điều “thực sự phi thường” đó, giới phân tích cho rằng ông Donald Trump và đội ngũ của mình trước mắt cần làm rõ đường hướng về những việc ông sẽ làm nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa than phiền rằng, không gần như không biết hoặc có rất ít thông tin về chương trình nghị sự của ông Donald Trump nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Điều đó khiến việc điều phối các thông điệp trong chiến dịch tranh cử gặp nhiều khó khăn.
Các nghị sĩ Cộng hòa hiểu rõ tình thế khó khăn hiện tại của ông Donald Trump, vì vậy họ đang thúc đẩy các cuộc thảo luận nội bộ về nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, với mục tiêu nêu bật tầm nhìn khác nhau giữa ông Donald Trump và đối thủ Joe Biden trong những vấn đề trọng tâm được người dân Mỹ quan tâm nhất vào lúc này. Hai vấn đề được đề cập nhiều nhất vào lúc này chính là hai cuộc khủng hoảng lớn nhất của nước Mỹ: Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Với Covid-19, ông Donald Trump sẽ phải buộc phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, phải tạo lập sự tin tưởng của công chúng bằng những việc làm “chậm còn hơn không” thay vì những lời nói hoa mỹ “virus sẽ biến mất” như trước đây, phải thực hiện những biện pháp quản lý khủng hoảng y tế như đeo khẩu trang, xét nghiệm trên diện rộng và truy vết người nhiễm với các tiêu chuẩn thống nhất ở phạm vi quốc gia song song với các bước mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump phải nêu được cụ thể những biện pháp để giảm thiểu tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, khả thi nhất lúc này là mở rộng trợ cấp thất nghiệp, cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế cho các tiểu bang để tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Người dân Mỹ tất nhiên không kỳ vọng hai mũi “giáp công” trong chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ mang lại hiệu quả trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ngày 3/11. Nhưng ít ra, người dân Mỹ cần biết rằng vị Tổng thống mà họ gửi gắm niềm tin đang dẫn dắt nước Mỹ đi đúng hướng. Và cuộc vận động tranh cử tại New Hampshire tới đây sẽ chứng minh quyết tâm “làm với” chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump có thể mang lại kết quả như thế nào.